Ở thời điểm này, khi năm 2022 chuẩn bị kết thúc và Tết cận kề, các doanh nghiệp (DN) đang chạy đôn chạy đáo lo thu hồi những khoản nợ từ đối tác, khách hàng. Công nợ là chuyện bình thường trong sản xuất, kinh doanh của DN nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi công nợ càng trở nên "thời sự".
Ở thời điểm này, khi năm 2022 chuẩn bị kết thúc và Tết cận kề, các doanh nghiệp (DN) đang chạy đôn chạy đáo lo thu hồi những khoản nợ từ đối tác, khách hàng. Công nợ là chuyện bình thường trong sản xuất, kinh doanh của DN nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi công nợ càng trở nên “thời sự”.
Cuối năm doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh nhưng cũng rất vất vả để thu hồi công nợ. Ảnh: V.Gia |
Cả chủ nợ lẫn bên nợ đều đang gặp phải những vấn đề khó khăn về dòng tiền dịp cuối năm trong khi triển vọng ngắn hạn trong sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có nhiều điểm sáng.
* Vất vả lo thu hồi nợ
Là nhà cung ứng vật tư xây dựng, sắt thép ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…, ông Nguyễn Hữu Khoa, đại diện Công ty TNHH Thép Vạn Niên cho hay, nợ của các đối tác cũng đang làm “đau đầu” DN. Theo ông Khoa, để phục vụ nhu cầu của các đối tác lĩnh vực xây dựng nhà xưởng và xây dựng dân dụng, công ty có cung ứng một số đơn hàng tôn, thép. Tuy nhiên, hiện các chủ thầu xây dựng vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn nên việc thu hồi nợ của DN tại các đơn vị này cũng kéo dài.
“Cuối năm, bất kỳ DN nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết, trả nợ cho khách hàng, nhập vật tư, nguyên liệu, tính toán lương, thưởng Tết cho người lao động.… Trong khi về lý thuyết, tài chính của DN là có, song tiền mặt để giải quyết vấn đề lại không có sẵn” - ông Khoa nói.
Trong lĩnh vực sản xuất, ông Chính, chủ một DN ngành bao bì ở TP.Biên Hòa, cho hay năm nay dù khó khăn nhưng công ty vẫn có sự tăng trưởng về sản lượng. Tuy nhiên, càng về cuối năm thì phát sinh một số vấn đề, nhất là tính thanh khoản của dòng tiền lưu động trong DN. Một trong những nguyên do là có những đối tác vẫn đang nợ đọng tiền hàng của công ty.
Thực tế hiện nay, một số đối tác trong lĩnh vực xuất khẩu đơn hàng đang bị thu hẹp lại dịp cuối năm, số khác thì gặp tình trạng chung là hàng hóa sản xuất bán ra chậm, ít. Có được bao nhiêu DN lại phải dành tiền ưu tiên việc trả lương, trả thưởng cho nhân viên nhằm giữ chân người lao động.
Các DN ưu tiên giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của mình nên việc trả nợ đối tác vì thế bị trì hoãn hoặc trả nhỏ giọt.
Một chủ DN ngành cơ khí, chế tạo chia sẻ, ông có một khoản nợ “xấu” từ đối tác của mình. Thời gian trước đây, khi sản xuất, kinh doanh tương đối ổn thì vẫn chưa phải quá thúc ép để đòi nợ, nhưng đây là giai đoạn rất nhạy cảm, rất cần tiền để giải quyết khó khăn song khi liên lạc với bên nợ thì họ cũng buông câu cảm thán: còn thở là tốt rồi còn tính chi đến chuyện có tiền trả nợ!. Là chủ nợ nhưng phải “xuống nước năn nỉ” bên nợ để mong lấy được tiền cũng chẳng đặng đừng, nhiều lúc cũng tính toán kiện đối tác của mình song trong thời buổi hiện nay dù có kiện được cũng không dễ để đòi được nợ.
* Nợ xấu lẫn nhau có thể gây khủng hoảng về thanh khoản
Bối cảnh hiện nay của DN chỉ rõ thực trạng rằng, không chỉ nợ tài chính lẫn nhau mà nhiều DN còn hoạt động dựa trên nguồn vốn vay của ngân hàng. Kinh tế khó khăn, doanh thu giảm sút, nguồn tiền đã ít lại phải chia ra thực hiện nhiều việc cùng lúc khiến các DN vất vả cầm cự.
Nhiều DN cần các biện pháp để tránh bị “vắt kiệt” thanh khoản như: sử dụng nguồn tài chính bên ngoài, thấu chi ngân hàng hoặc trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp trì hoãn thanh toán có thể gây ra những vấn đề nhất định khiến cho bức tranh toàn cảnh lại thêm xám màu.
Cụ thể, vấn đề chậm thanh toán lẫn nhau có thể tạo thành tác động theo chuỗi khi DN này không thanh toán cho một DN, kéo theo việc chậm thanh toán dây chuyền. Điều này có thể khiến những khách hàng có tín dụng tốt cũng bị ảnh hưởng, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản. Nợ càng dài càng khiến DN không đủ tiền để mua nguyên vật liệu. Nếu thời gian nhà cung cấp cho nợ tiền ngắn hơn thời gian cho khách hàng nợ, DN dễ lâm vào tình trạng khánh kiệt về thanh khoản.
Tình trạng này càng tệ đi dễ đưa DN đến bờ vực phá sản và không ít DN hiện nay đã lâm vào tình trạng “ngủ đông”. Chỉ mới vài tháng trước, một DN sản xuất ngành gỗ đang ăn nên làm ra, được coi là tiêu biểu trong ngành nhưng giờ đây khi liên lạc lại thì đang trong tình trạng tạm ngừng sản xuất, hàng loạt người lao động đang phải lo lắng cho số phận của mình, nhất là trong những ngày cận Tết.
Để ổn định về dòng tiền, DN cần phải chủ động từ trước, tính toán các đơn hàng, công nợ một cách hợp lý, tránh chỉ mải lo việc sản xuất, tới cuối năm mới đổ dồn thu hồi nợ. Giai đoạn này hầu hết các DN rất cần tiền mặt để trang trải, vì vậy khả năng thu hồi nợ rất thấp, từ đó tạo ra các tác động chung khiến tình hình thêm khó khăn.
Văn Gia