Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm mạnh, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng miếng có nhiều biến động, thị trường bất động sản chững lại…, khiến việc đầu tư tài chính cuối năm cần phải thận trọng hơn.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm mạnh, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng miếng trong nước và thế giới có nhiều biến động, thị trường bất động sản chững lại… Điều này khiến việc đầu tư tài chính cuối năm cần phải thận trọng hơn.
Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây, có thời điểm còn “chạm đáy” sau hơn 2 năm qua khiến cho nhiều người đầu tư lo ngại. Ảnh minh họa: Hải Hà |
* Thị trường chứng khoán sụt giảm
Trong khoảng hơn 1 tháng qua, thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Có thời điểm chứng kiến thị trường “thủng đáy” sau hơn 2 năm. Anh L.T.K. (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, anh đã tham gia đầu tư chứng khoán được gần 5 năm. Với 500 triệu đồng ban đầu, anh sinh lời được hơn 30%/năm và tiếp tục dồn đầu tư thêm mà không rút ra, thậm chí vì thấy sinh lời tốt nên khi có khoản dư anh còn góp thêm vào đó. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19, các sàn chứng khoán vẫn vô cùng "sôi động" với nhiều nhà đầu tư F0 tham gia, lập đỉnh vào cỡ những tháng gần cuối năm 2021, hầu như ai cũng thu được lợi nhuận tốt. Song từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt bất ổn, anh đã lỗ hơn 50% số tiền hiện có và thâm hụt luôn vốn ban đầu, nhưng giờ rút vốn lại cũng chẳng đầu tư gì được nên anh cứ để vậy chờ đợi.
"Sau 5 năm đầu tư, tôi không có lời mà còn lỗ so với những hình thức khác như gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua vàng. Chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng muốn đầu tư chứng khoán phải am hiểu thị trường tài chính, đọc được báo cáo tài chính thật của các doanh nghiệp (DN) và biết đánh giá, nhận định thị trường. Nếu chỉ nghe theo các hội nhóm, bạn bè, môi giới thì rất dễ chạm đáy. Khi ấy gọi là chơi chứng khoán chứ không phải đầu tư chứng khoán. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho bản thân tôi" - anh K. bộc bạch.
Nhận định về tình hình chứng khoán trong thời gian qua, ThS luật Nguyễn Doãn Đạt, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cao cấp, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam - chi nhánh TP.HCM chia sẻ, thông thường khi thị trường giảm mạnh nhà đầu tư thường có thói quen đi tìm lý do để giải thích. Và trong những ngày vừa qua, lý do hợp lý được đưa ra để giải thích đó chính là tin đồn về thị trường, lo ngại kinh tế suy thoái, lãi suất tăng, tỷ giá tăng… Tuy nhiên, bản chất đằng sau sự sụt giảm mạnh của thị trường, đó chính là sự thiếu hụt dòng tiền.
“Thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán đã “rơi” rất mạnh và “tạo đáy” vào tháng 3-2020, ngay sau đó là 2 năm phục hồi và tăng trưởng, các cổ phiếu đều tăng giá nhiều lần. Điều đó có được chính là do dòng tiền đã chảy vào thị trường, vì lãi suất tiền gửi quá thấp nên các nhà đầu tư cá nhân muốn tìm kiếm một kênh đầu tư hiệu quả hơn, các DN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sản xuất kinh doanh khó khăn nên cũng đổ tiền vào chứng khoán để giao dịch.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đã có sự đảo ngược, bước vào giai đoạn sau dịch, DN phải thích nghi trong tình hình mới, trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường mới, nên dòng tiền của DN rút ra, với bối cảnh lãi suất huy động, và lãi suất cho vay tăng cao, cũng hạn chế dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân rất nhiều. Nhìn rộng ra, có thể thấy, thị trường chứng khoán đã hoàn thành chu kỳ tăng trưởng 10 năm, từ cuối năm 2012-2022 và đã bước sang xu hướng giảm giá dài hạn...” - ThS Nguyễn Doãn Đạt lý giải thêm.
* “Hụt hơi” với bất động sản, tiền điện tử…
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào bất động sản, trái phiếu... ở hầu hết các phân khúc đang chững lại, nếu không nói là "đóng băng" trong khi nhiều nhà đầu tư, nhất là các trường hợp vay mượn để đầu tư, lạm dụng các “đòn bẩy” tài chính quá nhiều, đang cố gắng đẩy hàng. Tuy nhiên, việc bán hàng để thu hồi vốn là không dễ.
Theo làn sóng đổ về các vùng ven và đón đầu các dự án, anh P.V.H. (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng mua lô đất 10m ngang ở H.Nhơn Trạch với giá 2 tỷ đồng định “lướt sóng” vào năm 2021. Trong 2 tỷ đồng của lô đất trên, anh H. thế chấp sổ đỏ của ngôi nhà đang ở để vay ngân hàng khoảng 700 triệu đồng. Sau 2 tháng đầu tư, có khách trả chênh lệch 200 triệu đồng so với số vốn ban đầu nhưng anh không bán vì nghĩ rằng giá sẽ còn tăng. Thế nhưng, từ khoảng giữa năm nay khi ngân hàng siết tín dụng, bất động sản chững lại... và các nguồn thu khác không đủ xoay xở khiến việc trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng trở thành gánh nặng đối với anh.
"Để giảm bớt gánh nặng cũng như tránh việc nợ chồng nợ, tôi đã rao bán miếng đất trên bằng với giá mua, chấp nhận lỗ những khoản lãi suất ngân hàng nhưng nhiều khách chỉ hỏi giá xong rồi thôi. Hiện tôi như ngồi trên đống lửa bởi khoản nợ đầu tư bất động sản lướt sóng" - anh H. nói.
Trong những năm qua, việc đầu tư tiền ảo, tiền điện tử đã không còn xa lạ đối với giới đầu tư dù trên thực tế loại tiền ảo, tiền điện tử… hiện không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, việc đầu tư các loại tiền ảo, tiền điện tử cũng gặp phải nhiều rủi ro, liên tục có những biến động khiến nhiều người đầu tư vào hình thức này phải “toát mồ hôi hột”.
Anh N.T.T.A. (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, anh tham gia đầu tư các loại tiền điện tử từ năm 2018 nhưng bỏ vốn mạnh nhất vào khoảng cuối năm 2020. Tuy nhiên, tiền điện tử khá nhạy cảm với tin tức thị trường nên không bền vững, khả năng mất vốn đầu tư khá cao nếu không tìm hiểu quản lý tài chính, quản trị rủi ro... Từ giữa năm 2021 đến nay, thị trường tiền điện tử liên tục có những đợt điều chỉnh giá mạnh, đa số nhà đầu tư mất tiền, nhất là những nhà đầu tư F0 phải bán tháo do tâm lý chưa quen với thị trường này.
"Do đầu tư lâu năm có kinh nghiệm nên tôi đã chia 3 tài khoản để tránh việc "bỏ trứng cùng một giỏ", đồng thời chờ đợi tin tức tốt từ thị trường chứ không bỏ thêm vốn vào kênh đầu tư này. Đặc biệt, tôi nghĩ các nhà đầu tư phải thật tỉnh táo không nên sa đà vào tâm lý đầu tư/mua đồng nào để gỡ gạc phần đã thua lỗ, bởi đó chẳng khác nào đánh bạc càng đánh càng thua" - anh T.A. chia sẻ.
ThS luật NGUYỄN DOÃN ĐẠT, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cao cấp, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam - chi nhánh TP.HCM chia sẻ, trong nguy có cơ, việc suy giảm của thị trường chứng khoán như hiện tại sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn. Do đó, nếu nhà đầu tư có dòng vốn nhàn rỗi thì có thể lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có triển vọng tương lai để mua tích lũy khi thị trường đang giảm giá do chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông. Đối với kênh đầu tư cổ phiếu, dự báo tình hình vẫn sẽ còn nhiều biến động trong trong thời gian tới nên chỉ có các nhà đầu tư dài hạn, với dòng tiền nhàn rỗi mới thực sự thích hợp để mua gom với chiến lược “tích sản” bằng cổ phiếu. Còn số đông nhà đầu tư thì sẽ rất dễ thua lỗ nếu giao dịch liên tục ở giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, khi lãi suất huy động đang ở mức cao và được dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới thì tiền gửi tiết kiệm sẽ là kênh mang lại hiệu quả trong giai đoạn hiện tại mà nhà đầu tư có thể tham khảo, cân nhắc tham gia. |
Hải Hà