Ngày 27-10, Bộ NN-PTNT đã có buổi họp về "Xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi" với sự tham gia của nhiều hiệp hội ngành hàng. Chương trình đặt ra nội dung cần thành lập hệ sinh thái phát triển chuỗi chăn nuôi bền vững.
Ngày 27-10, Bộ NN-PTNT đã có buổi họp về “Xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi” với sự tham gia của nhiều hiệp hội ngành hàng. Chương trình đặt ra nội dung cần thành lập hệ sinh thái phát triển chuỗi chăn nuôi bền vững.
Trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ hiện đại tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó, cần phát huy vai trò của các hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi trong điều tiết sản lượng, tiêu chuẩn hóa và đồng đều hóa; tăng cường kết nối, hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
* Chăn nuôi là trụ đỡ của ngành nông nghiệp
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngành chăn nuôi có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi suốt 10 năm qua đạt mức tăng trưởng ổn định từ 4-6%. Tổng đàn
heo cả nước đạt 28,6 triệu con, tăng 8,8% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi 3,2 triệu tấn. Tổng đàn gia cầm 533,4 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi gần 1,5 triệu tấn và 13,4 tỷ quả trứng.
Giai đoạn 2010-2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và 17 triệu khách du lịch hằng năm. Dự tính năm 2022, cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt. Ngành chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp khi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo khoảng 2,56 triệu con, tăng 5,45% so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 27,5 triệu con, tăng hơn 5,5% so với cùng kỳ; đàn trâu bò hơn 92,8 ngàn con. Trong 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh đạt hơn 473 ngàn tấn thịt các loại, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo, gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31 % tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, toàn tỉnh có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP; duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đồng thời Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác gồm: 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Nổi bật có chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) bình quân xuất khẩu 250 tấn thịt gà chế biến/tháng sang thị trường Nhật Bản.
* Phát huy vai trò các hiệp hội
Tuy ngành chăn nuôi đang đóng vai trò trụ cột của toàn ngành Nông nghiệp nhưng chăn nuôi trong nước vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Ngành chăn nuôi trong nước còn gặp nhiều thách thức như: dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, thiên tai và đặc biệt là biến động về thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, biến động thị trường sản phẩm; sự chênh lệch giữa doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong nước...
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển bởi có thị trường tiêu thụ lớn gồm thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân, đồng thời gần với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu phải xây dựng ngành chăn nuôi chú trọng chất lượng giá trị, đáp ứng nhu cầu ăn ngon, ăn sạch ngày càng cao. Việc này đòi hỏi cần xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững theo chuỗi…
Tính đến hết quý I-2022, cả nước có 69 hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi, thú y có 14 hội và hiệp hội, chiếm 20%. Thời gian qua, các hiệp hội có vai trò nhất định trong việc phản biện chính sách, là nơi tập hợp các doanh nghiệp, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người chăn nuôi. Để ngành chăn nuôi phát triển xứng tầm cần phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại Việt Nam đặt vấn đề, các doanh nghiệp trong nước chưa thấy được lợi ích khi gia nhập hiệp hội, khiến số lượng thành viên của nhiều đơn vị có xu hướng teo tóp. Điều này khác với mô hình hoạt động của quốc tế. Để khắc phục điểm nghẽn này, thứ nhất, các hiệp hội cần đẩy mạnh liên kết theo chiều ngang, cụ thể là với nhóm HTX, nông hộ nhỏ lẻ. Hai là, phối hợp với Cục Chăn nuôi sớm xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc. Ba là, cơ quan quản lý nhà nước có thêm định hướng điều tiết thị trường, tránh việc quá chú trọng vào giá trị xuất khẩu, nhằm tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần tạo cơ chế thuận lợi cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phát triển tương xứng. Khi chưa có luật về hiệp hội ngành hàng, đề nghị Bộ ban hành quy chế, cơ chế làm việc với các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp. Hằng quý, Bộ và các đơn vị họp với hiệp hội ngành hàng để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, có số liệu chính xác, qua đó lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn; quan tâm, quyết liệt hơn nữa để doanh nghiệp nội đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN, cần tạo lập hệ sinh thái giữa cơ quan quản lý và các hiệp hội trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi với tinh thần "không để hiệp hội nào đứng ngoài cuộc, không bỏ lại doanh nghiệp nào phía sau". |
Bình Nguyên