Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt, thanh lý hợp đồng 6 gói thầu xây dựng do bị chậm tiến độ.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt, thanh lý hợp đồng 6 gói thầu xây dựng do bị chậm tiến độ.
Hiện nay có 6 gói thầu thuộc dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn bị chậm tiến độ do các nhà thầu thi công nhỏ giọt. Ảnh: P.Tùng |
* Khó có khả năng hoàn thành
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280ha, là nơi bố trí tái định cư cho tất cả các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án Sân bay Long Thành đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Dự án xây dưng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được phân chia thành 2 dự án thành phần gồm: xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự án được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 4-2020.
Đến nay, dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã cơ bản hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội lại đang bị chậm tiến độ.
Theo quy hoạch, dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có 11 công trình, tương ứng với 11 gói thầu xây dựng gồm: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 chợ, 1 trung tâm văn hóa và 1 trụ sở UBND xã. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 407 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các đơn vị liên quan về tiến độ dự án Sân bay Long Thành vào ngày 6-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc cụ thể với các nhà thầu để báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý. Nếu cam kết của các nhà thầu là khả thi thì tiếp tục cho thực hiện hợp đồng. Nếu không khả thi thì cương quyết cắt hợp đồng. Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng đề nghị, khi thông báo cắt hợp đồng với các nhà thầu chậm tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có thông báo và báo cáo Bộ KH-ĐT cấm các đơn vị này không được tham gia bất cứ gói thầu nào trên địa bàn tỉnh từ nay về sau. |
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thi công, đến nay mới chỉ có 2 công trình thuộc dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gồm 1 trường mầm non và trụ sở UBND xã đã hoàn thành thi công xây dựng. Cùng với đó, 3 công trình khác cũng đã hoàn thành xây dựng hơn 80% tổng khối lượng. Với 6 gói thầu còn lại gồm: 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 chợ và 1 trung tâm văn hóa đang bị chậm tiến độ. “Các công trình này mới chỉ hoàn thành khoảng 15% trên tổng khối lượng cần thi công” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, việc 6 gói thầu bị chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan là do quá trình thi công chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến động tăng giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan khiến các công trình bị chậm tiến độ vẫn là do các nhà thầu tổ chức thi công nhỏ giọt, không bố trí đủ nhân, vật lực để đảm bảo xây dựng các công trình. “Các nhà thầu thiếu sự hợp tác. Dù đơn vị đã tổ chức họp hằng tuần nhưng các nhà thầu vẫn không nhúc nhích, không bố trí công việc, không tổ chức thi công nên các gói thầu này khó có khả năng hoàn thành” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.
Từ thực tế trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt, thanh lý hợp đồng tại 6 gói thầu này. “Sau khi thông báo chấm dứt hợp đồng, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện chốt khối lượng hoàn thành, thực hiện cập nhật dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện khối lượng còn lại” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
* Nhà thầu “xin” thêm cơ hội
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tiến độ thực hiện dự án Sân bay Long Thành vào ngày 6-9, ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 493, đơn vị hiện có đến 4 gói thầu thuộc dự án xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang bị chậm tiến độ, cho biết sau vài tháng khởi công xây dựng các công trình, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cuối năm 2021, giá các loại vật tư, vật liệu lại liên tục tăng cao khiến cho khó khăn càng thêm chồng chất.
Cùng với đó, đầu năm 2022, dự án hết niên độ thực hiện trong khi chủ đầu tư chưa có chủ trương gia hạn nên hầu hết các công trình do đơn vị thi công bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, về chủ quan, ông Trung cũng thừa nhận đơn vị đã có sự chậm trễ trong việc triển khai đưa nguồn nhân lực, vật tư, vật liệu về công trường để thi công. “Hiện nay, nhà thầu cũng đã đưa vật tư, vật liệu về công trường đồng thời làm việc với các công nhân để tích cực triển khai thi công. Nếu như được chủ đầu tư tạo điều kiên cho nhà thầu thêm cơ hội thì nhà thầu xin hứa đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành các công trình” - ông Nguyễn Bảo Trung chia sẻ.
“Các nhà thầu khi ký hợp đồng đều đã được tạm ứng vốn, trong đó có bản cam kết của các ngân hàng với nội dung: ngân hàng sẽ trả lại không điều kiện số tiền tạm ứng theo yêu cầu của chủ đầu tư khi nhà thầu vi phạm các nội dung theo hợp đồng đã ký. Do đó, hiện các ngân hàng đã thống nhất để trả lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh số tiền tạm ứng còn lại sau khi hoàn thành nghiệm thu khối lượng thi công đã hoàn thành” - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh NGÔ THẾ ÂN cho biết. |
Tương tự, ông Võ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty CP Phước Đạt, đơn vị có công trình xây dựng trường tiểu học đang bị chậm tiến độ, cũng mong muốn chủ đầu tư, UBND tỉnh tạo điểu kiện và cam kết sẽ hoàn thành công trình vào cuối tháng 12-2022. “Dự án mãi đến tháng 8-2022 mới được gia hạn nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện. Nếu được tiếp tục triển khai, nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 tới” - ông Võ Ngọc Dũng cho biết.
Trước lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ của các nhà thầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho rằng, ngày 1-1-2022, dự án hết niên hạn thực hiện nhưng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có văn bản ghi nhận toàn bộ khối lượng mà các nhà thầu tiếp tục thực hiện. “Việc dự án hết niên hạn thực hiện là khó khăn của chủ đầu tư chứ không phải khó khăn của nhà thầu, bởi các nhà thầu đều đã được tạm ứng vốn khi ký hợp đồng thực hiện. Do đó, các nhà thầu không thể dựa vào lý do này để cho rằng mình không có lỗi” - ông Ngô Thế Ân cho biết.
Theo ông Ngô Thế Ân, qua rà soát, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận thấy đối với các gói thầu chậm tiến độ, các nhà thầu đều có chung lỗi là không ứng trước kinh phí để đặt nguyên, vật liệu cho công trình mà vẫn tiếp tục mua theo tiến độ công trình. Do đó, khi giá vật tư, vật liệu tăng, các nhà thầu bị bất ngờ và không đáp ứng đủ. Cùng với đó, giá nhân công tăng, dự án hết niên hạn cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Phạm Tùng