Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của 3 ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực của Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, 2/3 ngành vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng cao là sản phẩm sắt thép; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của 3 ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực của Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, 2/3 ngành vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng cao là sản phẩm sắt thép; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss tại Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 8 tháng của năm 2022, xuất khẩu 3 ngành chủ lực gồm: xơ sợi dệt; sản phẩm sắt thép; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,55 tỷ USD, chiếm hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng xuất khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD; xơ sợi dệt hơn 1,05 tỷ USD; sản phẩm sắt thép khoảng 700 triệu USD.
* Chủ động vượt khó, phục hồi
Gần 3 quý của năm nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới biến động mạnh, chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh đó, có DN phải thu hẹp sản xuất nhưng cũng có những DN đã tìm ra giải pháp để ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Kaneko chuyên sản xuất các loại van cho máy công nghiệp, hệ thống lọc dầu, tàu thủy, máy bay, vũ trụ… và nguồn nguyên liệu mua ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào hiện đã tăng từ 31-42% so với cùng kỳ năm trước nên giá thành của sản phẩm bị đẩy lên cao, công ty buộc phải đàm phán với khách hàng tăng giá sản phẩm, nhưng mức tăng chỉ khoảng 5-10% nên lợi nhuận của công ty bị giảm”.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một số nước vẫn kiểm soát rất gắt gao ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước và những nước đối tác. Đơn cử, Trung Quốc là nước đang dẫn đầu trong xuất khẩu nguyên liệu cho ngành công nghiệp của thế giới. Thời gian qua, do dịch bệnh nên nhiều khu vực của nước này đóng cửa, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu bị giảm mạnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất của Đồng Nai nên các DN của tỉnh chịu tác động khá nặng nề. Để bớt lệ thuộc vào thị trường này, các DN Đồng Nai tăng tìm nguồn nguyên liệu từ các nước khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu. |
Cũng theo ông Tâm, để vượt qua khó khăn, công ty đã tái cơ cấu sản xuất bằng cách rút ngắn thời gian làm việc, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công. Đồng thời, nghiên cứu ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tiếp tục mở rộng sản xuất.
Tương tự, các sản phẩm làm từ sắt thép cũng gặp khó khăn vì nguyên liệu đầu vào tăng cao. Vì thế, những hợp đồng đã ký kết từ trước với các đối tác gặp rất nhiều trở ngại và phải đàm phán lại, trong đó có khách hàng chấp nhận tăng giá sản phẩm ở mức tương ứng với nguyên liệu đầu vào, nhưng cũng có khách hàng chỉ đồng ý tăng nhẹ. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều nước khác thường không đảm bảo đúng thời gian giao hàng, khiến cho nhiều DN khó chủ động được sản xuất.
Ông Trần Tấn Phát, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty muốn tìm được nhà cung ứng nguyên liệu trong nước nhưng rất ít DN đáp ứng được, buộc phải nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 và chiến sự giữa Nga - Ukraine ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu tăng cao và có thời điểm khan hàng. Tuy nhiên, công ty cố gắng khắc phục bằng cách tìm nguyên liệu từ nhiều nước để thay thế và tìm mọi cách để giá thành sản phẩm không tăng quá cao nên vẫn giữ được sản xuất và đầu ra ổn định”.
* Sóng gió chưa qua?
Ngành công nghiệp của Đồng Nai tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, nhưng 1-2 tháng trở lại đây, xuất khẩu có dấu hiệu bị chững lại. Cụ thể, trong tháng 8-2022, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các ngành chủ lực của tỉnh đều giảm nhẹ so với tháng trước đó. Theo các DN, khả năng trong những tháng cuối năm, tình hình khó khăn về nguyên liệu và giá cả vật tư đầu vào, chi phí dịch vụ vận chuyển sẽ chưa cải thiện nhiều. DN tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều phải tính toán lại, tìm cách tiết kiệm ở một số khâu nhằm kéo giá thành sản phẩm không tăng quá cao.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức nhận xét: “Đơn hàng trong những tháng cuối năm có dấu hiệu chậm lại vì một số khách hàng truyền thống giảm sản xuất do đầu ra bị thu hẹp. Junmay phải cùng lúc vượt qua các vướng mắc là tìm đủ nguồn cung nguyên liệu, sắp xếp lại quy trình sản xuất để giảm bớt giá thành sản phẩm và mở thêm thị trường tiêu thụ để đảm bảo hoạt động và thu nhập cho người lao động”.
Trong 8 tháng của năm 2022, riêng ngành xơ sợi dệt của Đồng Nai xuất khẩu chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do một số DN chưa tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định, phải thu hẹp sản xuất hoặc giá thành sản phẩm bị đẩy lên quá cao, nhiều khách hàng nước ngoài đã giảm đơn hàng. Hiện các DN ngành xơ sợi dệt đang tìm cách hạ giá thành sản phẩm và quay về thị trường trong nước.
Hương Giang