Báo Đồng Nai điện tử
En

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng trên các nền tảng số

06:08, 08/08/2022

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động khảo sát, phản hồi người dùng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động khảo sát, phản hồi người dùng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Hoạt động thống kê các đơn đặt hàng online tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Hoạt động thống kê các đơn đặt hàng online tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

* DN còn “chậm chân”

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến DN trong nước “chậm chân” thiết lập các kênh thông tin, phản hồi nói chung và các kênh nắm bắt xu hướng tiêu dùng trực tuyến nói riêng là thiếu nguồn vốn để duy trì các kênh phản hồi, thiếu nhân sự chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động này. Trong khi đó, xu thế tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh, yêu cầu của người dân về mua sắm nói chung và mua sắm trực tuyến ngày càng cao hơn.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhiều lần chia sẻ, nhiều DN địa phương dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu. Nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn loay hoay, thiếu các kênh phản hồi, đánh giá của khách hàng, trong đó có các kênh phản hồi, cập nhật thông tin trực tuyến. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các DN trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay, cũng như xu hướng tiêu dùng ngày càng có nhiều thay đổi.

Tương tự, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT, Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành chia sẻ, một trong những điểm cần khắc phục để hàng hóa, sản phẩm địa phương được nhiều người quan tâm, chọn mua trên các sàn TMĐT, nhất là các sàn TMĐT của địa phương là các DN cần tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tham gia sàn; tăng sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng và trả lời, giải đáp thắc mắc đơn hàng, thông tin phản hồi. Qua đó, góp phần đem lại niềm tin cao hơn nữa cho khách hàng, không chỉ mua một lần mà còn tiếp tục ủng hộ ở những lần tiếp theo.

Bên cạnh đó, các DN cần chủ động cập nhật thông tin, hình ảnh chuẩn xác, mô tả về sản phẩm đúng quy định trên các gian hàng trực tuyến, các sàn TMĐT của địa phương để vừa có hình ảnh đẹp, nội dung hay về sản phẩm. Từ đó, nhằm thu hút khách hàng tham gia tìm kiếm, mua - bán sản phẩm ngày càng nhiều hơn.

* Chủ động khảo sát, cập nhật thị hiếu tiêu dùng mới

Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, các kênh phản hồi, hậu mãi… đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay, đặc biệt là đối với các sàn TMĐT, kênh mua sắm trên các nền tảng số.

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: Hải Hà

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, các DN cần tích cực hơn trong việc thiết lập các kênh phản hồi, chủ động khảo sát thị trường, cập nhật các thị hiếu tiêu dùng mới của người tiêu dùng đối với các hình thức mua sắm đa kênh, hiện đại. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý, các địa phương cũng cần có thêm các đợt khảo sát, thu thập thông tin thị trường, những thay đổi về thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng… Qua đó, làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá thực trạng và định hướng quá trình ứng dụng công nghệ, phát triển TMĐT, kinh tế số trên địa bàn…

Mới đây nhất, vào đầu tháng 6-2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đợt điều tra, khảo sát lần này nhằm thu thập thông tin, đánh giá mức độ nhận thức và ứng dụng TMĐT của DN thuộc các ngành, thành phần kinh tế tại các địa phương trên địa bàn, các DN có liên quan mật thiết đến năng lực, tiềm năng tham gia giao dịch TMĐT. Ngoài ra, còn thu thập thông tin về thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất của DN, HTX, hộ kinh doanh, hộ gia đình trong quá trình triển khai ứng dụng TMĐT; thu thập thông tin cơ bản về mức độ hiểu biết, ứng dụng CNTT của hộ gia đình, hộ kinh doanh trong TMĐT và dịch vụ hành chính công...

Từ đó, tìm ra các giải pháp hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, đưa TMĐT được sử dụng và ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, các cơ sở kinh tế và hoạt động tiêu dùng hằng ngày của người dân.

Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên thực hiện khảo sát, điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn Đồng Nai. Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Thống kê Đồng Nai tổ chức chương trình tập huấn nghiệp vụ, phổ biến nội dung, phương pháp thu thập số liệu và thời gian tiến hành điều tra, khảo sát, hướng dẫn điền thông tin vào phiếu điều tra đến cán bộ thống kê ở địa phương, các DN, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh… để việc triển khai điều tra, khảo sát được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Theo kế hoạch điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022 của UBND tỉnh, do tính chất phức tạp của nội dung điều tra và trình độ kế toán, thống kê cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra khác nhau nên áp dụng cả phương pháp trực tiếp và gián tiếp. Thời gian triển khai điều tra, khảo sát và báo cáo kết quả dự kiến đến hết tháng 9-2022.

Hải Hà

Tin xem nhiều