Nhiên liệu hóa thạch đang dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Để có nguồn năng lượng mới thay thế chủ động hơn, sạch hơn, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế của một quốc gia vùng nhiệt đới để biến những cái bất lợi thành có lợi.
Nhiên liệu hóa thạch đang dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Để có nguồn năng lượng mới thay thế chủ động hơn, sạch hơn, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế của một quốc gia vùng nhiệt đới để biến những cái bất lợi thành có lợi.
Nhà máy sản xuất điện gió công suất 30MW đã đưa Ninh Thuận “cất cánh” |
Tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam – vùng đất “nắng như rang, gió như phang” - đã trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, chính nhờ sự thức thời để biến cái không thể thành có thể…
* Vùng đất giàu tiềm năng của ngành năng lượng sạch
Ninh Thuận được biết đến là một vùng đất duyên hải Nam Trung bộ đầy nắng và gió. Với điều kiện thời tiết khô hạn quanh năm, khó có thể phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn. Song, 5 năm trở lại đây, Ninh Thuận đã “khoác” lên mình tấm áo mới, đó là sự phát triển mạnh các nhà máy, dự án chuyên về lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT).
Tính đến cuối năm 2020, đã có 13 dự án điện gió và 34 dự án điện mặt trời, với tổng số vốn đầu tư khoảng 88.782 tỷ đồng đã được đặt tại Ninh Thuận và đưa địa phương này trở thành trung tâm NLTT lớn nhất cả nước. Trong tương lai gần, tổng công suất phát điện của Ninh thuận lên tới 18 nghìn MW, chiếm gần 1/3 tổng công suất phát điện hiện nay của Việt Nam. |
Nắng và gió ở Ninh Thuận không chỉ làm hài lòng du khách đến từ khắp nơi, mà còn làm hài lòng các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió khi nơi đây có độ chiếu sáng mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, trên 230 kcal/cm2. Trong đó, tháng thấp nhất cũng là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600 - 2.800 h, phân bố tương đối đồng đều cả năm. Hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời, mỗi năm có 9 tháng nắng (tương đương 200 ngày nắng mỗi năm). Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước.
Cùng với nắng là gió. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía nam. Tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20 m/s (ở độ cao 12m). Đặc biệt, nơi đây ít bão, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng và tốc độ từ 6,4-9,6 m/s đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện. Tương tự, khu vực biển Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió ngoài khơi, với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW.
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, thời gian qua, Ninh Thuận đã nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bứt phá, hiệu quả trên cơ sở phát triển năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo đòn bẩy để “cất cánh”, phát huy tiềm năng, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh.
Chính nhờ hướng đi này mà nhiều năm liền Ninh Thuận thuộc top 5 tỉnh thành trong cả nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Cũng trong năm 2019 và 2020, ngân sách đạt trên 4.270 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với khi chưa phát triển ngành NLTT. Với một diện mạo mới đầy tự tin, Ninh Thuận đang “cất cánh” bằng chính tiềm năng sẵn có của mình…
* Môi trường và đời sống người dân được cải thiện
Do xác định đúng hướng đi đúng nên tỉnh Ninh Thuận đã ngày càng phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng ượng quốc gia, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là hướng tới phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường … Từ hoạt động này, môi trường và đời sống người dân ở Ninh Thuận đã có nhiều đổi thay tích cực.
Dự án Tổ hợp NLTT điện gió và điện mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (đặt tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) là Tổ hợp NLTT điện gió và điện mặt trời lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại. Với quy mô tổng công suất trên 355 MW (trong đó điện mặt trời là 204 MW; điện gió là 151 MW) đã khai thác tối đa phần diện tích đất phía dưới các tua-bin trụ gió để phát triển trang trại điện mặt trời; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất; nhất là khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai hoang hóa, thiếu nước tưới, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để sản xuất năng lượng.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất muối công nghiệp kết hợp phát triển điện mặt trời, điện gió (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) của Tập đoàn BIM, với quy mô công suất 405 MW điện mặt trời và 88 MW điện gió, đóng góp cho điện lưới quốc gia khoảng 1 tỷ kWh/năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt dự án này được triển khai thực hiện trên diện tích trước đây sản xuất muối nhưng bị bỏ hoang do do ảnh hưởng nhiễm mặn các khu vực lân cận.
Có thể nói, sự phát triển của ngành NLTT ở Ninh Thuận đã không chỉ đem lại sự ổn định bền vững về kinh tế cho địa phương, mà đời sống người dân cũng được thay da đổi thịt. Nếu trước kia người dân nơi đây chỉ quẩn quanh với việc chăn thả gia súc hoặc làm muối, nuôi hải sản bấp bênh thì nay họ lại được tạo điều kiện để trở thành nhân lực của công ty, nhà máy, dự án sản xuất điện mặt tời, điện gió.
Anh Chế Vỹ Thanh, một thanh niên người Chăm ở xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) cho biết, trước đây anh đi làm thuê ở cánh đồng muối xa nhà. Phơi nắng cả ngày nhưng mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng, nhưng rồi cánh đồng muối cũng bị hoang hóa, không thể sản xuất được, anh về đi chăn cừu, nhưng cũng thất bại. Từ khi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, anh được tuyển vào làm công nhân phổ thông, chuyên đi lau các tấm pin mặt trời, mỗi ngày chỉ làm 5 tiếng, nhưng đã được 4 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, có sự xuất hiện của nhiều dự án năng lượng sạch, cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng dân cư cũng được đầu tư khang trang, đời sống người dân được cải thiện hơn. Với người dân mất đất thì doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ một phần trách nhiệm với cộng đồng.
PGS.TS. Đặng Đình Thống, thành viên Hội KH-CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói “làm điện mặt trời là làm giàu cho Ninh Thuận”. Ông cho biết, với 10 ngàn MW điện mặt trời các dự án, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết cho Ninh Thuận khoảng 8.000 lao động phổ thông trực tiếp. Người dân nơi đây đã có một cuộc sống tốt hơn, điều này dễ dàng nhận thấy khi đến Ninh Thuận những năm gần đây.
Ngọc Ánh