Từ năm 2016, Bộ Công thương đã hỗ trợ Đồng Nai triển khai thí điểm 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Sau đó, tỉnh tiếp tục triển khai thêm các điểm theo mô hình này ở các huyện, thành phố trong tỉnh, nhất là các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2016, Bộ Công thương đã hỗ trợ Đồng Nai triển khai thí điểm 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Sau đó, tỉnh tiếp tục triển khai thêm các điểm theo mô hình này ở các huyện, thành phố trong tỉnh, nhất là các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.
Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh:H.Quân |
* Triển khai thêm 5 điểm
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), đơn vị vừa phối hợp với các địa phương khai trương 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các xã, phường: Trà Cổ (H.Tân Phú), Thanh Sơn (H.Định Quán), Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), Bàu Sen (TP.Long Khánh) và Hố Nai (TP.Biên Hòa). Các cửa hàng khi được chọn làm điểm bán hàng Việt sẽ được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo tu sửa điểm bán hàng... theo quy chuẩn của Bộ Công thương.
Bà Văn Thị Nguyệt, chủ Cửa hàng Tạp hóa Mười - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Trà Cổ, H.Tân Phú cho hay, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt trong thời gian qua ở địa phương tăng cao, nhất là sau những tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó, điểm bán hàng này được triển khai góp phần giúp cho người dân có điều kiện mua sắm hàng tiêu dùng, thực phẩm khô, gia vị, nước chấm…, trong đó phần lớn là hàng hóa sản xuất trong nước. Cửa hàng sau khi được hỗ trợ trở nên khang trang, ngăn nắp hơn trước.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam (P.Hố Nai) chia sẻ: “Hàng Việt ngày càng được nhiều người ưu chuộng. Bản thân tôi cũng thường xuyên tin dùng hàng Việt. Do đó, sau khi được hỗ trợ phát triển điểm bán hàng Tự hào hàng Việt từ tiệm tạp hóa của gia đình, tôi rất phấn khởi. Tiệm cũng được sắp xếp chỉn chu, ngăn nắp hơn để thu hút khách hàng”.
Tại các điểm bán này, hàng hóa được hướng dẫn sắp xếp khoa học, ngăn nắp. Chủng loại hàng hóa bày bán tại cửa hàng chủ yếu là hàng Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Là một trong những người thường xuyên đi chợ, bà Đặng Thị Quỳnh Hoa (ngụ xã Trà Cổ) bày tỏ: “Tôi cảm thấy tiện lợi khi được lựa chọn hàng hóa, mua sắm tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam mới được triển khai ở địa phương. Các kệ hàng được sắp xếp khá chuyên nghiệp như một siêu thị mini, giúp người người dân đến mua sắm thuận tiện hơn”.
* Đưa hàng Việt về các địa phương vùng xa
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại, đây là chương trình gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Sở Công thương phối hợp với các địa phương triển khai, góp phần thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong các dịp cao điểm…
Ông Phạm Quang Hùng, chủ Cửa hàng Bách hóa Quang Hùng - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở ấp 3, xã Thanh Sơn chia sẻ, địa phương là xã vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm hàng Việt trên địa bàn ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc phát triển điểm bán hàng này sẽ đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa bàn ở vùng xa như xã Thanh Sơn.
Các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam thường được triển khai, hỗ trợ ở các xã chưa có chợ, chưa có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Ông Nguyễn Trí Phong, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Tân Phú cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 9 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Các điểm này giúp cho người dân có thêm một kênh mua sắm tiện lợi. Đơn cử, hiện nay ở xã Trà Cổ vẫn chưa có chợ, do đó điểm bán hàng Việt mới được triển khai sẽ giúp người dân địa phương thuận tiện hơn trong việc mua sắm hàng hóa, đỡ phải đi xa ra chợ trung tâm thị trấn…
Để các điểm bán hàng này hoạt động đúng tiêu chuẩn, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh, chủ cửa hàng thực hiện tốt khâu cung cấp hàng hóa, đảm bảo nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc rà soát, trực tiếp kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt thực hiện nghiêm các tiêu chí, quy chuẩn của chương trình.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 26 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh. Kinh phí hỗ trợ để triển khai các điểm bán hàng này khoảng 85 triệu đồng/cửa hàng. Qua kiểm tra hoạt động của nhiều điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam đã được triển khai, nhìn chung các điểm này được nhiều người dân địa phương quan tâm, lựa chọn, doanh thu bán hàng tăng từ 20-30% mỗi năm.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại NGUYỄN VĂN LĨNH, trong năm 2021, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hàng Việt bị ảnh hưởng, gián đoạn. Trong đó, đến cuối năm, các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam mới có thể triển khai theo kế hoạch thay vì thực hiện vào giữa năm như những năm trước đây. Trong các năm tới, trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát, nhân rộng thêm từ 3-5 điểm mỗi năm tại các địa phương, tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để hỗ trợ người dân tiếp cận gần hơn với hàng Việt. |
Hải Quân