Cuối năm 2021, Đồng Nai đã thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cuối năm 2021, Đồng Nai đã thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đồng Nai thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Trang trại trồng cà chua trong nhà màng tại xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên |
Tỉnh tiếp tục đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu với 61/121 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2021.
* Ấn tượng trong phát triển sản xuất
Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2008-2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 6,2%/năm. Riêng trong năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 43,7 ngàn tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh tăng đều theo hằng năm.
Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 61,7 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4,4 lần so với năm 2008. Năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng thu nhập bình quân đầu người của nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao vẫn đạt trên 66 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 127 triệu đồng/ha/năm.
Trong phát triển sản xuất, Đồng Nai từng bước chuyển đổi sang sản xuất lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100ha diện tích cây công nghiệp lâu năm; gần 70 ngàn ha cây ăn trái các loại. Trong đó, có nhiều đặc sản trái cây có diện tích thuộc tốp đầu cả nước và đã hình thành được những vùng chuyên canh với diện tích lớn. Tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, có 17 dự án cánh đồng lớn. Đây là cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Đồng Nai trong thời gian tới.
Ngoài ra, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã có 71 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm OCOP đã mở được kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Chủ trì buổi làm việc về tình hình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh năm 2021, định hướng đến năm 2025, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đánh giá, ngành Nông nghiệp đã phát triển tốt trong cơ cấu ngành, trong quy hoạch cũng như tổ chức thực hiện. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp với mô hình cánh đồng lớn, chăn nuôi công nghiệp. Kết quả tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2021 vẫn đạt khá tốt dù đối mặt với nhiều khó khăn.
* Đầu tư đồng bộ các tiêu chí
Trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, các địa phương tập trung phát triển sản xuất với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất của người dân nông thôn. Nhưng các tiêu chí khác về xóa đói giảm nghèo, về y tế, giáo dục, chăm lo về đời sống tinh thần… cũng đạt nhiều kết quả tốt.
Trong đó, công tác giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện trong suốt quá trình xây dựng NTM với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực như: mô hình hỗ trợ giống phát triển sản xuất, mô hình giúp phụ nữ nghèo, phong trào Nông dân đoàn kết làm giàu, giảm nghèo bền vững…
Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã cho gần 87,4 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn vay vốn với tổng số tiền 1.709 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ vay được 189,5 triệu đồng. Trong đó, có 136 mô hình vay vốn được triển khai nhân rộng ở 490 lượt xã với gần 8,4 ngàn lượt hộ tham gia. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng được 5.167 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với số tiền hơn 167,5 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,15% vào năm 2008 còn 0,09% vào năm 2020.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, giai đoạn 2008-2021, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong tiêu chí về y tế không ngừng tăng cao. Cụ thể, đến nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh đạt 85,45%, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008. Trong đó, các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90% trên tổng dân số; đặc biệt, nhiều xã NTM kiểu mẫu gần 100% số dân đều tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân không ngừng được nâng cao; 100% trạm y tế xã được bố trí khám và điều trị ban đầu, triển khai cơ sở y tế sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, thủy lợi… phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh là trên 930 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân.
Tại hội nghị trực tuyến do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với các tỉnh ủy, thành ủy về tình hình thực hiện và công tác tổng kết Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới đây, đồng chí NGUYỄN DUY HƯNG, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 đánh giá cao thành quả các địa phương đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đông dân nhưng thu nhập của người dân nông thôn đạt mức cao so với mặt bằng chung của các tỉnh. Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.
|
Bình Nguyên