Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực giảm ô nhiễm nguồn nước mặt

09:11, 07/11/2021

Nhờ triển khai nhiều giải pháp như đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chống ngập; di dời khu công nghiệp gần sông và cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội ô…, chất lượng nước ở các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp như đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chống ngập; di dời khu công nghiệp gần sông và cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội ô; hoàn thiện mạng lưới quan trắc và phòng ngừa…, chất lượng nước ở các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện.

Sở TN-MT lấy mẫu quan trắc nước trên sông Đồng Nai
Sở TN-MT lấy mẫu quan trắc nước trên sông Đồng Nai

Đồng Nai đang quan tâm đầu tư các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, phân vùng hạn chế cấp phép khai thác nhằm bảo vệ tài nguyên nước.

* Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước

Đồng Nai có tổng cộng gần 250 sông, suối và hơn 130 công trình thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và phục vụ các hoạt động khai thác điện năng và giao thông thủy. Kết quả quan trắc chất lượng nước tại 18 sông, 55 suối, 20 hồ với gần 170 vị trí (trong giai đoạn 2016-2020) cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt tại các sông, suối, hồ ổn định và chuyển biến tích cực qua các năm.

Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thời gian qua tỉnh đã đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước mặt. Theo đó, đối với nước thải công nghiệp, tỉnh yêu cầu 100% khu, cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống này phải đảm bảo xử lý nước đạt tiêu chuẩn cột A (theo tiêu chuẩn môi trường) trước khi thải ra sông, suối. Tỉnh giao Sở TN-MT tham mưu đầu tư hệ thống quan trắc tự động và thực hiện giám sát thường xuyên đối với tất cả các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Hiện 31/32 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, gần 80% lượng nước thải công nghiệp được xử lý tại trạm, 25 trạm có quan trắc tự động.

Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp với Sở TN-MT đầu tư hơn 1 ngàn bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các mô hình trồng trọt theo tiêu chí sạch và chăn nuôi khép kín theo tiêu chí an toàn sinh học được khuyến khích nhân rộng nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tiết kiệm nước. Tỉnh chủ trương đầu tư các cụm chế biến nông sản nhằm đẩy mạnh khâu chế biến để gia tăng giá trị và hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế.

Đối với TP.Biên Hòa, nơi có mật độ sông, suối và dân cư dày đặc, tỉnh thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội ô, ngừng khai thác khoáng sản trên sông. Cùng với đó là đầu tư hàng loạt dự án chống ngập và xử lý nước thải sinh hoạt, gia tăng các điểm quan trắc chất lượng nước mặt để kịp thời phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa ô nhiễm.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, mặc dù còn tình trạng ô nhiễm cục bộ, còn thành phần vượt ngưỡng theo quy chuẩn môi trường nhưng về cơ bản chất lượng nước tại các sông, hồ trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện khai thác phục vụ mục đích sinh hoạt. Sở TN-MT thường xuyên theo dõi chất lượng nước ở các sông, suối, hồ, từ đó đưa ra các cảnh báo; tham mưu UBND tỉnh các giải pháp ngăn ngừa và giảm ô nhiễm nguồn nước. Hiện có 2 vấn đề cần lưu tâm là xử lý nước thải sinh hoạt ở các đô thị và giảm tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường nước.

* Tập trung xử lý nước thải sinh hoạt

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước mặt là: nước thải công nghiệp, rác thải và chất thải chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tương đối chặt chẽ. Riêng nước thải sinh hoạt là bài toán đau đầu. Thời gian qua, tỉnh và thành phố đã triển khai một số dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhưng dự án thì thiếu vốn đầu tư, dự án thì phải xem xét lại công nghệ. Hiện có 1 dự án xử lý nước thải sinh hoạt hoạt động nhưng chưa kết nối trực tiếp được với nguồn thải từ hộ gia đình mà bơm nước suối lên xử lý đạt chuẩn rồi bơm trả về. Thành phố kiến nghị tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải sinh hoạt.

Hồ Cầu Mới, công trình khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt
Hồ Cầu Mới, công trình khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt

Tại các đô thị như Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Khánh, dự án xử lý nước thải sinh hoạt chưa có hoặc chưa triển khai. Ưu tiên của các địa phương hiện nay là đầu tư dự án tiêu nước chống ngập.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho rằng, địa phương đang triển khai dự án thoát nước kết hợp thu gom nước thải nhưng tiến độ chậm. Về lâu dài, phải tách bạch hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt riêng vì nước thải sinh hoạt phải xử lý.  

Theo Sở TN-MT, để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý và xả nước ra nguồn tiếp nhận. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép khai thác và áp dụng các công cụ kinh tế để hạn chế tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện việc thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Phối hợp với Sở KH-ĐT hoàn thành quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quy hoạch tài nguyên nước có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề án Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện kiểm kê tài nguyên nước và công bố vùng bảo hộ vệ sinh cho các nhà máy cấp nước, trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, tỉnh ưu tiên các dự án khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (nước sông Đồng Nai) thay vì khai thác nước dưới đất nhằm mục đích sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt, hạn chế suy giảm mực nước và tài nguyên nước dưới đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, công tác bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước là nhiệm vụ của tất cả các sở, ngành, địa phương mà trọng tâm là Sở TN-MT, NN-PTNN. Cần quản lý chặt chẽ nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; tiếp tục thực hiện quan trắc lưu lượng, chất lượng nước mặt và dưới đất; vận hành các hồ chứa hiệu quả. Đối với các dự án xử lý nước thải sinh hoạt, tỉnh tiếp tục làm việc với các đối tác đẩy nhanh tiến độ, đồng thời giao các sở, ngành nghiên cứu phương án đầu tư công nghệ hiệu quả ở cuối nguồn tiếp nhận.

Ban Mai

Tin xem nhiều