Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới

11:11, 01/11/2021

Đại dịch Covid-19 đã làm xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi, dẫn đến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tình hình mới phải điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều DN đã thay đổi từ sản xuất, phân phối, vận chuyển đến tiêu thụ.

Đại dịch Covid-19 đã làm xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi, dẫn đến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tình hình mới phải điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều DN đã thay đổi từ sản xuất, phân phối, vận chuyển đến tiêu thụ.

Sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm G.C (H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm G.C (H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG

DN trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh và phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong thời hậu Covid-19, DN nào nhanh chân tìm được mô hình sản xuất phù hợp sẽ nhanh ổn định và phát triển bền vững.

* Từng bước thích nghi

Các DN trên địa bàn tỉnh đang từng bước thích nghi với tình hình mới và đã có những điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, kinh doanh để mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa ở nội địa và xuất khẩu. Bức tranh kinh tế trong tháng 10-2021 có thêm nhiều điểm sáng khi số lượng DN phục hồi sản xuất tăng nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng khá cao so với tháng trước đó. Dù xảy ra làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4 làm hàng ngàn DN phải tạm ngừng hoạt động, giảm công suất trong 2-3 tháng liền, nhưng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2021 vẫn tăng hơn 15% và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn vốn đầu tư trong nước vẫn vượt kế hoạch năm.

Ông Ken - Ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (TP.Biên Hòa), Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai cho biết: “Chính sách mở cửa, trao quyền chủ động cho DN đã giúp việc khôi phục sản xuất nhanh hơn. Trong tình hình mới, các DN đều phải xây dựng lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đưa ra mô hình mới để đảm bảo được cùng lúc hai mục tiêu quan trọng là phòng, chống dịch và phát triển sản xuất”.

Không chỉ riêng Đồng Nai, DN ở các tỉnh, thành khác cũng phải nhanh chóng thích nghi để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một số tác động lớn đã buộc DN phải tìm ra hướng đi cho phù hợp. Cụ thể, thời gian vận chuyển hàng hóa dài, chi phí tăng cao, xu hướng người tiêu dùng thế giới cần những sản phẩm tiện lợi, thân thiện với môi trường để đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, trong sản xuất, các DN phải tạo ra các sản phẩm gọn nhẹ, dễ sử dụng, ít gây ô nhiễm môi trường, tính toán thời gian giao hàng cho phù hợp để không gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông Wu Ming Ying, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom), Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên các DN phải tìm mô hình sản xuất mới cho phù hợp với từng ngành hàng để giữ được thị trường và đơn hàng. Để giữ cho công ty ổn định, phát triển, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, bên cạnh sản xuất các thiết bị máy móc, công ty sản xuất thêm thiết bị y tế để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.

* Đòi hỏi ngày càng khắt khe về sản phẩm

Sản xuất công nghiệp trên thế giới cũng như Việt Nam đang trên đà phục hồi. Tại nhiều nước, dịch bệnh đã được khống chế, các nhà máy đã hoạt động trở lại và đang tăng dần công suất, vì thế cần nguồn cung nguyên liệu nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội cho nhiều nhà máy sản xuất của Việt Nam có thể đàm phán thêm các đơn hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 làm cho các đối tác đến người tiêu dùng ở nhiều nước đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng đúng hẹn. Điều này buộc nhiều DN phải đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại để nâng công suất, giảm lao động và cho ra các sản phẩm chất lượng cao, tiện ích.

Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 khiến các DN thay đổi kế hoạch sản xuất ngắn hạn, dài hạn và tìm thêm các thị trường xuất khẩu khác để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xu hướng của người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe hơn nên buộc các DN phải đầu tư công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra đảm bảo cùng lúc những tiêu chuẩn mà khách hàng cần là chất lượng, dễ sử dụng và dùng được ngay”. Công ty TNHH Koyu & Unitek chuyên xuất khẩu thịt gà đã được chế biến sang thị trường Nhật Bản, gần đây mở thêm thị trường Hong Kong.

Trong khó khăn nhưng có những DN vẫn tìm hướng đi mới để giữ vững được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa ở trong nước, nước ngoài. “Thời dịch bệnh, người tiêu dùng trong nước, nước ngoài sẽ ưu tiên mua thực phẩm nhiều hơn và cần các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đóng gói phù hợp và có thể sử dụng nhanh gọn. Do đó, công ty đã thay đổi mô hình sản xuất để có thể đưa đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm chất lượng, đóng gói số lượng khác nhau từ nhỏ đến lớn và có thể sử dụng ngay. Hàng của công ty xuất khẩu qua hơn 10 quốc gia được nhiều người tiêu dùng đón nhận nên sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá” - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) nói.

Theo một số đại sứ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, Đồng Nai là nơi sản xuất công nghiệp lớn, nhiều DN nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò rất quan trọng. Thời điểm này, các DN kịp thời đưa ra kế hoạch, mô hình sản xuất mới phù hợp sẽ đàm phán, thu hút thêm được nhiều khách hàng mới.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều