Báo Đồng Nai điện tử
En

Các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất chiến lược phục hồi sản xuất

09:09, 21/09/2021

Ngày 16-9, 13 hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước đã ký chung vào văn bản đề xuất Chính phủ 11 vấn đề để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới...

Ngày 16-9, 13 hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước đã ký chung vào văn bản đề xuất Chính phủ 11 vấn đề để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Đến ngày 17-9, tiếp tục có 4 hiệp hội DN nước ngoài kiến nghị Chính phủ một số giải pháp khôi phục sản xuất sau khi tiến hành mở cửa trở lại bình thường.

Công nhân Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong giờ sản xuất
Công nhân Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong giờ sản xuất. Ảnh minh họa: HƯƠNG GIANG

Gần 3 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều DN dừng hoạt động sản xuất hoặc chỉ duy trì 20-40% công suất, mất đi không ít đơn hàng.

* DN mong muốn mở cửa trở lại để hoạt động bình thường

Hầu hết các hiệp hội đều cho rằng, giãn cách xã hội hơn 2 tháng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng của trong nước, quốc tế. Vì các tỉnh, thành phố trên là trung tâm sản xuất công nghiệp, kinh doanh lớn của cả nước. Sau khi các nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ngưng hoạt động hoặc giảm công suất xuống thấp đã kéo theo hàng loạt nhà máy trong nước cũng phải dừng hoặc giảm công suất vì thiếu đầu vào, đầu ra. Nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài không thể chờ đợi đã dời qua nước khác, gây tổn thất lớn cho các DN. Nếu việc mở cửa chậm trễ, số DN dời sản xuất, đối tác rút đơn hàng qua những nước khác sẽ tiếp tục gia tăng.

Mới đây, qua khảo sát trực tuyến của Sở KH-ĐT, trong hơn 350 phản hồi của DN có vốn đầu tư trong nước, DN FDI thì dịch bệnh đã làm hơn 50% DN phải tạm ngừng hoạt động, gần 46% hoạt động dưới mức bình thường và chỉ có 4% hoạt động bình thường.

Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đuối sức do một thời gian dài phải gồng mình phòng, chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất...

Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, Eurocham có hơn 1,1 ngàn DN hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số DN tham gia và đóng góp lớn cho kinh tế. “Sống chung và thích ứng với an toàn dịch bệnh là cần thiết, Chính phủ cũng như các tỉnh, thành đánh giá, đôn đốc mở cửa trở lại để DN có thể hoạt động bình thường” - bà Delphine Rousselet nói.

Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, đã có gần 20% đơn hàng, sản xuất đã chuyển qua nước khác do tình hình dịch bệnh ở Việt Nam căng thẳng.

Còn với các DN Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae cho hay: “Các DN Hàn Quốc đều thống nhất trở lại trạng thái bình thường mới và sống chung với dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh là phương án tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Các hiệp hội và cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, các tỉnh, thành mở cửa và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho DN để cùng vượt qua đại dịch và đảm bảo được hoạt động”.

* Tạo thuận lợi cho DN hoạt động

Những hiệp hội DN trong nước như: Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày - túi xách, Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội DN điện tử... đều đề xuất trong chính sách mở cửa Chính phủ hỗ trợ DN bằng việc tập trung vào 11 vấn đề gồm: Thống nhất quản lý toàn quốc các văn bản về phòng, chống dịch, hoạt động phục hồi sản xuất, tham gia giao thông; quản lý dịch bệnh theo điểm; phòng, chống dịch tại điểm sản xuất; phòng, chống dịch tại điểm dân cư; phòng, chống dịch với giao thông, vận tải; cách ly y tế; xét nghiệm y tế; chi trả phí xét nghiệm và điều trị; hỗ trợ phục hồi kinh tế; thống kê y tế, thử nghiệm phòng, chống dịch chi phí thấp; thông tin tuyên truyền.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 50% nhà máy sản xuất dệt may đặt ở các tỉnh, thành phía Nam, chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương TP.HCM. Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, do dịch bệnh nên có khoảng 35% nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất vì không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. DN dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn, mở cửa trở lại trạng thái bình thường để DN khôi phục sản xuất sẽ giúp hoàn thành các đơn hàng đã ký kết.

Nhiều hiệp hội, DN đề xuất Đồng Nai, các tỉnh, thành khác nên nới lỏng thêm các quy định trong mở cửa thì mới có đủ lực lượng lao động để khôi phục sản xuất.

Ông Vũ Đình Quân, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết: “Công ty có 3 nhà máy tại Đồng Nai với khoảng 33 ngàn lao động, nhưng chỉ tổ chức cho 1,2 ngàn lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Do đó, công ty mong tỉnh hướng dẫn chi tiết việc đưa lao động trở lại nhà máy phục hồi sản xuất. Đồng thời, các lao động tại Bình Dương trở lại nhà máy hoạt động cần những điều kiện nào. Đề xuất tỉnh nới lỏng trong việc chọn và đưa lao động trở lại nhà máy”.

Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ, các tỉnh, thành tiếp tục đàm phán có thêm nguồn vaccine phòng Covid-19 và ưu tiên tiêm cho lao động trong các nhà máy, dập dịch để đảm bảo cho phục hồi kinh tế. Một số hiệp hội đề xuất Đồng Nai và các tỉnh, thành sắp trở lại trạng thái “bình thường mới”, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 đã đạt tỷ lệ khá cao từ 78-86% và khả năng cuối tháng 9-2021 sẽ đạt gần 100% trong độ tuổi quy định tiêm vaccine, do đó nên cho các DN đón tất cả người lao động ở các khu vực trở lại làm việc nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Quy định chỉ cho đón lao động từ “vùng xanh” đến nhà máy để khôi phục sản xuất khiến nhiều DN gặp khó vì 90% lao động đang trong “vùng vàng”, cam, đỏ.

Hương Giang

Tin xem nhiều