Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký quỹ cải tạo môi trường: Trách nhiệm của đơn vị khai khoáng

09:09, 21/09/2021

Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là một trong những quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS). Mục đích của việc ký quỹ là buộc chủ dự án phải có trách nhiệm với môi trường, hệ sinh thái khu vực bị tác động.

Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là một trong những quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS). Mục đích của việc ký quỹ là buộc chủ dự án phải có trách nhiệm với môi trường, hệ sinh thái khu vực bị tác động.

 Khai thác khoáng sản tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: C.T.V
Khai thác khoáng sản tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: C.T.V

Mặc dù các dự án KTKS được cấp phép trên địa bàn tỉnh đều ký quỹ, cam kết hoàn cải môi trường, nhưng để hoàn thổ môi trường về gần với trạng thái ban đầu, phục vụ các mục đích có lợi cho con người là điều không dễ.

* Điều kiện để cấp phép dự án

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai (thuộc Sở TN-MT), hiện nay các dự án KTKS được duyệt trên địa bàn tỉnh đều thực hiện quy định ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Cụ thể, đến tháng 6-2021, có 53 dự án KTKS thực hiện đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh hơn 122 tỷ đồng. Có 9/53 dự án đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường và được hoàn quỹ với số tiền gần 5 tỷ đồng. Các dự án còn lại chưa khai thác, đang khai thác hoặc đang trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.

Hiện tại, Đồng Nai có 47 mỏ KTKS được cấp phép còn hiệu lực. Theo kế hoạch, năm 2021, có 34 dự án KTKS phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Đến nay, đã có 33 dự án thực hiện với số tiền gần 6,5 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh cho hay, trước khi KTKS, chủ dự án phải ký và cam kết thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường. Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh tiếp nhận và giữ tiền ký quỹ. Chủ dự án có thể vừa khai thác vừa phục hồi hoặc khai thác xong mới phục hồi. Sau khi hoàn thành toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường, đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận hoàn thành và đóng cửa mỏ thì Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh sẽ hoàn trả số tiền đã ký quỹ. Trường hợp tổ chức, cá nhân ký quỹ nhưng giải thể, phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền dùng số tiền đã ký quỹ để thực hiện cải tạo, phục hồi, đưa môi trường về hiện trạng ban đầu.

Theo bà Nhung, để các doanh nghiệp nắm bắt và tuân thủ quy định, định kỳ đơn vị thông báo, nhắc nhở các chủ dự án KTKS thực hiện ký quỹ bằng nhiều hình thức. Tiếp nhận, quản lý tiền ký quỹ đúng quy định. Hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục, hạng mục cần phải hoàn cải, phục hồi. Đến thời điểm hiện tại, chưa có dự án nào phải dùng tiền ký quỹ của chủ đầu tư để thuê, mướn đơn vị khác cải tạo, phục hồi môi trường.

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đặng Thị Thùy Dương cho rằng, cùng với đấu giá, đóng tiền cấp quyền khai thác, việc ký quỹ bảo vệ môi trường là những điều kiện cấp phép, công cụ kinh tế quản lý hoạt động KTKS. Không chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính, quá trình KTKS chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp giảm ồn, bụi trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; thực hiện cải tạo, nâng cấp đường xuống cấp do vận chuyển khoáng sản. Hằng năm, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh xây dựng kế hoạch đi kiểm tra, giám sát hoạt động KTKS của các mỏ.

* Còn nhiều khó khăn trong quản lý, thực hiện

Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường tại các vùng KTKS được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài những quy định bắt buộc, tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất buộc dừng khai thác, đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, các giấy phép khai thác đã hết hiệu lực.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, khó khăn trong công tác quản lý hiện nay là các dự án KTKS có thời hạn 20-30 năm trong khi các quy định liên quan đến nghĩa vụ tài chính, thủ tục cấp phép thay đổi thường xuyên. Quá trình khai thác, chủ đầu tư sang nhượng dự án, xin mở rộng quy mô, xin gia hạn. Theo quy định, các dự án KTKS phải dừng khai thác trước 1 năm so với thời hạn để phục hồi môi trường nhưng chưa đến hạn đã xin gia hạn, xin tăng độ sâu.Chẳng hạn dự án Mỏ đá Tân Cang 8 có thời hạn khai thác đến năm 2026 và phục hồi môi trường 1 năm, nhưng năm 2021 chủ đầu tư đã xin tăng độ sâu từ 60m lên 80m, xin gia hạn đến năm 2031. Dự án Mỏ đá Đồi Mai đã xin gia hạn và đã hết thời hạn thăm dò khai thác từ năm 2016, nhưng năm 2021 chủ đầu tư xin gia hạn tiếp. Mỏ đá Đồi chùa 1 được UBND tỉnh cấp quyền khai thác cho Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC), sau này chủ đầu tư chuyển nhượng dự án lại cho Công ty CP Đầu tư xây dựng TMDV xuất nhập khẩu Trường Trường Phát JP nhưng không làm thủ tục theo quy định. Việc chuyển nhượng, kéo dài thời gian KTKS tác động tiêu cực đến việc bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Văn Cường, Công ty CP Đầu tư xây dựng TMDV xuất nhập khẩu Trường Trường Phát JP cho rằng, năm 2015 công ty nhận chuyển nhượng dự án khai thác đá Đồi chùa 1. Công ty thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến tiền cấp quyền KTKS, ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường nhưng do chưa giải phóng hết mặt bằng nên chưa đủ điều kiện làm giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù vậy, công ty vẫn tuân thủ các quy định về môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo môi trường đã được duyệt.Thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường nước, không khí, khắc phục tình trạng đường hư hỏng do vận chuyển vật liệu. Kết thúc khai thác sẽ tiến hành cải tạo, phục hồi các hạng mục.

Chia sẻ về những tồn tại ở các dự án KTKS, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có những mỏ đá đã đóng nhiều năm nhưng không thể hoàn thổ. Thành phố khó triển khai dự án hay kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án ở các mỏ đá đã đóng cửa. Nguyên nhân là các mỏ KTKS có quy mô diện tích lên đến hàng chục ha, độ sâu
60-80m. Hậu khai thác chủ dự án chỉ cải tạo, phục hồi môi trường được một phần rất nhỏ như trồng cây xanh, làm bờ bao, còn hố sâu dưới lòng đất gần như bỏ ngỏ.

Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và giữ gìn môi trường sống tốt cho người dân là mục tiêu của tỉnh. Nhà đầu tư phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với môi trường và người dân vùng dự án KTKS. Có như vậy mới hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường.

Lê An

Tin xem nhiều