Trong hơn 2 năm, gần 4 ngàn ha đất trong tổng số 5 ngàn ha đất cần thu hồi để phục vụ xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành đã được các cơ quan chức năng hoàn tất giải phóng mặt bằng...
Trong hơn 2 năm, gần 4 ngàn ha đất trong tổng số 5 ngàn ha đất cần thu hồi để phục vụ xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành đã được các cơ quan chức năng hoàn tất giải phóng mặt bằng. Một kỳ tích đã được Đồng Nai nỗ lực hoàn thành ở “siêu” dự án Sân bay Long Thành.
Bài 1: Những người ’đứng sau’ kỳ tích
Nguồn dữ liệu đất đai với ‘tuổi đời’ gần 20 năm và có hàng loạt sai sót so với hiện trạng sử dụng đất trên thực tế khiến những người làm công tác bồi thường ở dự án Sân bay Long Thành luôn phải đối mặt với nguy cơ ‘làm sai’.
Cán bộ làm công tác bồi thường ở dự án Sân bay Long Thành đo đạc để xác định mức bồi thường, hỗ trợ đối với căn nhà của một hộ dân tại xã Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng |
* “Hồi hộp” với từng hồ sơ
Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện nay gọi chung là sổ hồng) được UBND H.Long Thành cấp cho ông Trần Văn Hữu (ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) vào năm 1999 thì ông Trần Văn Hữu là người có quyền sử dụng đối với 15 thửa đất có tổng diện tích hơn 2,1ha tại xã Bình Sơn, H.Long Thành.
Tuy nhiên, năm 2019, khi thực hiện đo đạc, cập nhật hiện trạng sử dụng đất để thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, Tổ Kiểm đếm số 1, thuộc Tổ Bồi thường dự án Sân bay Long Thành phát hiện có 2 thửa đất trong tổng số 15 thửa đất đã được cấp sổ hồng lại không thuộc quyền sử dụng của ông Trần Văn Hữu.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp xảy ra sai sót giữa sổ hồng đã được cấp cho người dân và hiện trạng sử dụng đất trên thực tế trong khu vực dự án Sân bay Long Thành.
Ông Lê Văn Tiếp, Quyền Chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, nếu ở các dự án bình thường, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ thực hiện khoảng 14 bước thì ở dự án Sân bay Long Thành, do dữ liệu đất đai cũ nên phải thực hiện đến 20 bước để đảm bảo chính xác, chặt chẽ. |
Ông Bùi Thế Sự, viên chức biệt phái Sở TN-MT về công tác tại Tổ Kiểm đếm số 1, thuộc Tổ Bồi thường dự án Sân bay Long Thành cho biết, dự án Sân bay Long Thành đã có chủ trương quy hoạch từ rất lâu, trải qua thời gian dài “chờ đợi”, dữ liệu về đất đai trong khu vực dự án không được cập nhật, bổ sung khiến những sai sót về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất xảy ra rất phổ biến. “Thời điểm từ năm 2003 trở về trước, sổ hồng cấp cho người dân thường được viết tay thay vì in như hiện nay. Cũng trong thời gian đó, hệ thống công nghệ để quản lý dữ liệu đất đai cũng còn lạc hậu nên việc cấp trùng, cấp sai thửa đất xảy ra rất nhiều” - ông Bùi Thế Sự cho biết.
Được biệt phái để hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành từ tháng 3-2019, qua hơn 1 năm làm việc, ông Bùi Thế Sự cho rằng, sai sót về dữ liệu đất đai vẫn xảy ra thường xuyên tại các dự án, tuy nhiên, số lượng lớn như ở dự án Sân bay Long Thành là rất ít. “Nguyên nhân ngoài dữ liệu đất đai lạc hậu thì còn do diện tích đất cần thu hồi, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng ở dự án Sân bay Long Thành cũng rất lớn”.
Sai sót về dữ liệu đất đai nhiều khiến áp lực đối với những người làm công tác bồi thường ở dự án Sân bay Long Thành là vô cùng lớn. Trong đó, áp lực nặng nề nhất chính là nguy cơ xác nhận sai hiện trạng sử dụng đất dẫn đến thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ sai đối tượng. “Dù đã thực hiện xác minh, thẩm tra rất kỹ lưỡng nhưng mỗi lẫn đặt bút ký xác nhận hồ sơ, bản thân vẫn cảm thấy hồi hộp” - ông Bùi Thế Sự chia sẻ.
Vừa đảm bảo tiến độ công tác bồi thường, vừa tránh xảy ra sai sót trong khâu thẩm tra, xác nhận hồ sơ là thách thức lớn nhất mà đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường ở dự án Sân bay Long Thành phải đối mặt.
Ông Lê Nguyễn Hoàng Ân, Tổ trưởng Tổ Bồi thường dự án Sân bay Long Thành cho biết, đối với các hồ sơ có sự sai lệch giữa sổ hồng và hiện trạng sử dụng đất, việc giải quyết thường tốn rất nhiều thời gian. Theo đó, các tổ kiếm đếm phải phối hợp với UBND xã thực hiện xác minh chính xác về hiện trạng sử dụng đất. Sau đó, các bên sẽ mời người đứng tên trên sổ hồng và người đang sử dụng đất trên thực tế làm việc, thỏa thuận lại hiện trạng sử dụng đất. Khi hoàn tất, cơ quan chức năng phải thực hiện thu hồi sổ hồng đã cấp và quyết định thông báo thu hồi đất đã ban hành trước đó để ban hành quyết định thông báo thu hồi đất mới theo đúng hiện trạng. “Mỗi trường hợp như trên, quy trình thực hiện phải mất từ 8 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, áp lực về tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư là rất lớn. Do đó, đội ngũ làm công tác bồi thường gần như phải làm việc không ngừng nghỉ trong suốt hơn 2 năm qua” - ông Lê Nguyễn Hoàng Ân cho hay.
* Vận động người dân đồng thuận
Một trong những thách thức lớn nhất mà những người làm công tác bồi thường tại dự án Sân bay Long Thành phải đối mặt chính là sự sai lệch về diện tích đất trên sổ hồng của người dân và hiện trạng thực tế.
Ông Bùi Thế Sự (bên trái) và ông Lê Nguyễn Hoài Ân trao đổi để xử lý một hồ sơ bồi thường thuộc dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng |
Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch về diện tích đất cũng xuất phát từ hệ thống dữ liệu về đất đai “cũ kỹ” trong khu vực dự án Sân bay Long Thành. Khu vực dự án Sân bay Long Thành đã được quy hoạch từ lâu nên bản đồ địa chính vẫn là bản đồ đã được lập cách đây gần 20 năm. Cụ thể, bản đồ địa chính tại khu vực quy hoạch sân bay Long Thành được lập từ năm 1996 theo công nghệ đo bằng không ảnh cũ, độ chính xác không cao.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất phải căn cứ vào diện tích thực tế đang sử dụng. Do đó, để thực hiện công tác bồi thường, toàn bộ diện tích đất thuộc dự án Sân bay Long Thành đều phải được đo đạc lại theo các công nghệ mới hiện nay nhằm đảm bảo độ chính xác.
Qua quá trình đo đạc, tình trạng sai lệch về diện tích đất trong khu vực dự án xảy ra rất nhiều. “Số lượng hồ sơ chênh lệch về diện tích được cấp trên sổ hồng so với hiện trạng sử dụng đất lên đến hàng trăm trường hợp” - ông Lê Nguyễn Hoài Ân cho biết.
Cũng theo ông Lê Nguyễn Hoài Ân, nếu diện tích đất trên sổ hồng đã cấp bằng hoặc lớn hơn diện tích đất trên thực tế thì dễ dàng nhưng nếu nhỏ hơn thì vô cùng phức tạp. Bởi, người dân luôn căn cứ vào sổ hồng đã được cấp để xác định diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình. Việc giải thích, vận động người dân chấp nhận “mất đất” để đúng với hiện trạng sử dụng đất là rất gian nan. “Tấc đất tấc vàng mà. Do đó, ngoài việc thực hiện công tác bồi thường, những người làm công tác bồi thường ở dự án Sân bay Long Thành còn phải kiêm luôn công tác Dân vận” - ông Ân chia sẻ.
Lấy dẫn chứng cho nhiệm vụ “kép” mà những người làm công tác bồi thường phải thực hiện ở dự án Sân bay Long Thành, ông Lê Nguyễn Hoài Ân cho hay, đến nay, Tổ Bồi thường dự án Sân bay Long Thành ghi nhận trường hợp bị “mất” đất nhiều nhất là của một hộ dân ở ấp 7, xã Bình Sơn khi diện tích đất trên thực tế giảm đến 2 ngàn m2 so với diện tích được cấp trên sổ hồng. Do đó, phải mất gần 1 năm với hàng chục lần gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng với người dân. Vừa trình bày những chứng lý thực tế sau đo đạc, vừa kết hợp tuyên truyền, vận động, hộ dân nói trên mới đồng ý hoàn thiện hồ sơ. “Chấp nhận giảm đi 2 ngàn m2 đất là chấp nhận mất đi hàng trăm triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ nên không dễ dàng gì để người dân đồng ý” - ông Lê Nguyễn Hoài Ân chia sẻ.
Đồng Nai đã huy động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lên đến 142 người tham gia phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. Trong số này có 86 cán bộ, công chức, viên chức được biệt phái từ các cơ quan, sở, ngành của tỉnh và của các huyện trong tỉnh; 7 cán bộ, công chức, viên chức từ các trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện và 49 cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành. |
Phạm Tùng