Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh kết nối giao thương

09:04, 29/04/2021

Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kết nối giao thương… của tỉnh gặt hái được nhiều kết quả, thành tựu to lớn.

Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kết nối giao thương… của tỉnh gặt hái được nhiều kết quả, thành tựu to lớn.

Doanh nghiệp Đồng Nai - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương Việt Nam - Nhật Bản trên địa bàn tỉnh cuối năm 2020. Ảnh: Văn Gia
Doanh nghiệp Đồng Nai - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương Việt Nam - Nhật Bản trên địa bàn tỉnh cuối năm 2020. Ảnh: Văn Gia

Trong đó, dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, Đồng Nai luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, thị trường, mặt hàng xuất khẩu ngày càng mở rộng và đa dạng hơn, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được đẩy mạnh…

* Mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao sức hút đầu tư

Lĩnh vực xuất khẩu của Đồng Nai không ngừng tăng nhanh theo sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp. Nếu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 1990 chỉ đạt 28,65 triệu USD, thì đến năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt 19,44 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2020, dù trải qua một năm đầy khó khăn, sóng gió do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Đồng Nai tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, đạt hơn 18,7 tỷ USD. Đặc biệt, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế, trong quý I-2021, xuất khẩu tăng trưởng khá và đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai cũng ngày càng đa dạng. Nếu trước đây Đồng Nai xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu thì đến nay, sản phẩm xuất khẩu chủ lực là những sản phẩm như: máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt… Thị trường xuất khẩu sản phẩm của Đồng Nai cũng ngày càng rộng hơn, hàng hóa đã vào được hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mặc dù chiếm tỉ trọng phần lớn trong xuất khẩu của Đồng Nai là thuộc về DN FDI song DN trong nước cũng có những bứt phá ấn tượng. Công ty CP An Phú Thịnh là một trong những DN tư nhân có hoạt động giao thương xuất khẩu nổi bật của địa phương, sản phẩm găng tay bảo hộ lao động của DN này đã vào được và chiếm lĩnh một trong những thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Trong năm 2019, DN này đã hợp tác với Công ty CP Ô tô Trường Hải để mở nhà máy sản xuất găng tay phục vụ xuất khẩu ở Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Theo ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc công ty thì 3 nhà máy trong hệ thống sản xuất của thương hiệu An Phú Thịnh có tổng công suất có thể lên tới 100 triệu đôi găng tay/năm.

Một DN khác là Công ty Bao bì Khang Thành thành lập năm 2005 với 2 nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Amata. Khang Thành đã cung ứng hàng triệu sản phẩm bao bì chất lượng đến các đối tác, thương hiệu nổi tiếng tại 20 quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Nguyễn Duy Thuần, Giám đốc công ty cho hay, từ tháng 7-2020, đơn hàng của DN đã tăng mạnh trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trước đó. Đến nay, DN này đã thiết kế, sản xuất ra 9 ngàn loại mẫu mã bao bì để cung ứng cho hơn 1,7 ngàn khách hàng trong và ngoài nước.

Để tạo thuận lợi cho DN, Đồng Nai cũng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường, kết nối hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó là tạo cơ hội kết nối giữa các DN sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu với các DN sử dụng các hàng hóa này.

Trong công tác thu hút đầu tư, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện Đồng Nai đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư 1.534 dự án, với khoảng 31,8 tỷ USD. Hợp tác đầu tư, thương mại và giao lưu văn hóa là một trong những giải pháp mà Đồng Nai thực hiện để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của mình trên trường quốc tế, giữ sức hút đầu tư, kinh doanh đối với các nhà đầu tư.

Trong số đó, việc thành lập Bàn Kansai là một ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác với nước ngoài của Đồng Nai. Từ năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Bàn Kansai để giúp DN Nhật Bản thông tin về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Đồng Nai; giải quyết một số thủ tục trước khi DN Nhật Bản được cấp chứng nhận đầu tư, giảm thời gian đi lại và chi phí cho DN. Đồng thời, Bàn Kansai còn thêm chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cho DN. Từ nước xếp thứ 6 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn vào tỉnh thì đến nay, Nhật Bản đã trở thành quốc gia xếp thứ 3 về nguồn vốn đầu tư với 4,9 tỷ USD.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, ngày 20-4 vừa qua, Đồng Nai và Cục Kinh tế - thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, hai bên sẽ mở rộng hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tìm hiểu đầu tư tiết kiệm năng lượng…

* Phát triển thương mại điện tử, kết nối giao thương trực tuyến

Đối với hoạt động thương mại điện tử, trong những năm gần đây, Đồng Nai liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số thương mại điện tử cao. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2021 mới được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai mới được xếp hạng thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm trước. Chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.

Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 cũng như chương trình hằng năm. Trong đó, Sở Công thương hỗ trợ DN tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch; đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ DN đến người tiêu dùng… Đặc biệt, sau quá trình khảo sát ứng dụng thương mại điện tử, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, dự kiến trong năm 2021 ngành Công thương sẽ ra mắt Sàn thương mại điện tử Đồng Nai.

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó hình thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử ngày càng quan trọng. Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến hoạt động thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng các kênh trực tuyến.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ thương nhân xây dựng thương hiệu trên môi trường internet thông qua marketing trực tuyến, tham gia giải pháp bán hàng trực tuyến; chọn các sản phẩm chủ lực, đặc sản, các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… để tập trung hỗ trợ phát triển, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các sản phẩm khác. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, DN, nhất là các DN nhỏ và vừa của tỉnh, quảng bá, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hỗ trợ, liên kết website của DN địa phương tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh…

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động giao thương của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút FDI… Do đó, nhiều đơn vị, sở, ngành, địa phương và DN trong tỉnh đã tăng cường khai thác lợi thế về giao lưu trực tuyến để thu hút đầu tư, kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, khách hàng, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thế mạnh của địa phương…

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) chia sẻ, bên cạnh việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN phát triển thị trường, kết nối giao thương theo hướng truyền thống, trong năm 2021, đơn vị sẽ lựa chọn hội chợ phù hợp với điều kiện, ngành hàng của tỉnh để hỗ trợ các DN tham gia các gian hàng triển lãm quốc tế trên môi trường mạng. Đồng thời, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn cung cấp thông tin về phát triển sản phẩm, ngành hàng trên môi trường trực tuyến.

Văn Gia - Lam Phương

Tin xem nhiều