Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở thêm nhiều "lối" cho mình

10:03, 04/03/2021

Trong 4 tháng cuối cùng của năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam liên tiếp giảm.

Trong 4 tháng cuối cùng của năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam liên tiếp giảm. Song, kết thúc tháng 1-2021, kim ngạch xuất khẩu tăng trở lại và điều đáng chú ý là trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)… lại đang có chiều hướng tăng lên và đa dạng hơn về chủng loại, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có phần chững lại.

Nhìn lại, nhiều năm qua, sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc về xuất khẩu rau quả (bình quân trên 70% rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này) đã nhiều lần đặt nông dân Việt Nam vào “thế khó” khi có bất kỳ biến động nào xảy ra. Do chỉ tập trung cho thị trường này, nên khi Trung Quốc giảm nhập khẩu (do nguồn cung trong nước họ dư thừa hoặc do nhiều nguyên nhân khác), nhiều loại rau quả Việt Nam dội chợ, ế hàng. Xoài, thanh long, cà chua, chuối, bưởi, vải thiều… và hàng loạt mặt hàng rau quả khác đã rơi vào tình trạng cần “giải cứu” trên quy mô lớn không chỉ một lần.

Sớm thấy được điều này, những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực đề ra nhiều cách làm, giải pháp nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu, đa dạng chủng loại xuất khẩu cho rau quả Việt Nam. Một trong những nỗ lực “trường kỳ” là cân nhắc, nghiên cứu để Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, khu vực. Trong vòng gần 30 năm qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết tổng cộng 17 FTA với nhiều quốc gia và khu vực và hiện gần như đã có quan hệ thương mại tự do với hầu hết các thị trường quan trọng hoặc tiềm năng trên thế giới.

Mới đây nhất, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế của các mặt hàng rau quả và các chế phẩm từ rau quả xuất khẩu vào các nước EU được giảm về mức 0%. Đây là điều kiện giúp nhiều sản phẩm trái cây là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường EU. Các bộ, ngành liên quan cũng đang tìm nhiều giải pháp để mở rộng thị trường, mở đường thêm cho các loại rau quả khác xuất khẩu. Trong đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-2 vừa qua, Bộ Công thương cũng đưa ra nhiều hoạt động với mục tiêu giúp nông sản Việt Nam bớt bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (nguồn: Bộ Công thương).

Về phía nông dân và doanh nghiệp, có thể thấy đã có khá nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân ý thức rõ việc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sau nhiều lần chứng kiến nông sản phải chờ “giải cứu”. Đơn cử, cuối năm 2020, những container chuối đầu tiên của HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) đã được xuất sang thị trường châu Âu với mức giá khá cao và được thị trường đón nhận. Hay như đầu năm 2021, Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa cũng đã xuất khẩu lô chuối Nam Mỹ đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc.

Những tín hiệu vui này cùng với nỗ lực “mở đường” của Chính phủ hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho xuất khẩu rau quả - một trong những mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam.

Vi Lâm

Tin xem nhiều