Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia có thời gian thi công gấp rút. Do đó, ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã được chủ đầu tư yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia có thời gian thi công gấp rút. Do đó, ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã được chủ đầu tư yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Công nhân thi công hạng mục mố trụ cầu vượt đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây qua đường tỉnh 765, H.Xuân Lộc |
* Áp lực thời gian hoàn thành
Cuối tháng 9 vừa qua, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án thành phần của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã chính thức được khởi công xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, có thời gian thi công gấp rút nên áp lực về tiến độ rất lớn. “Thi công đường cao tốc rất phức tạp. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải mất 4 năm mới thi công hoàn thành. Do đó, áp lực tiến độ đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là rất lớn, bởi thời gian thi công chỉ có 2 năm” - Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, đối với công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Đồng Nai cần nỗ lực hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021 (trừ việc di dời hệ thống lưới điện 500kV và 220kV); đồng thời, hoàn thành thi công và bố trí tái định cư cho người dân trong quý I-2021. |
Với áp lực thời gian thi công gấp rút, ngay sau lễ khởi công, 2 gói thầu xây lắp của dự án trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện ngay. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT), chủ đầu tư dự án cho hay, các nhà thầu đã huy động máy móc thiết bị, nhân sự tập trung thi công để đảm bảo tiến độ.
Cụ thể, đối với gói thầu số 3-XL đã được khởi công thực hiện vào giữa tháng 10 vừa qua. Đến nay, đã xây dựng và huy động bộ máy điều hành của nhà thầu tại hiện trường cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đối với công tác thi công tại thực địa, hiện tại trên toàn gói thầu, các nhà thầu đã triển khai 15 mũi thi công (10 mũi thi công hạng mục xây dựng đường và 5 mũi thi công hạng mục cầu). “Các nhà thầu đang triển khai thi công trên gần 28km chiều dài tuyến. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác dọn dẹp, phát quang, đang tiến hành bóc hữu cơ và đắp nền đối với phần xây dựng đường. Phần cầu đã thi công xong một trụ và đang thi công trụ thứ 2, đồng thời triển khai thi công cọc khoan nhồi tại cầu vượt tỉnh lộ 765 qua địa bàn H.Xuân Lộc” - ông Nguyễn Văn Huấn cho biết.
Trong khi đó, gói thầu số 4-XL cũng đã được khởi công ngày 16-11. Tuy nhiên, do còn vướng mặt bằng nên việc thi công chưa thể triển khai trên thực địa. Hiện nay, các nhà thầu đã chuẩn bị sẵn sàng và dự kiến sẽ tổ chức 11 mũi thi công.
* Không để giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài tuyến 99km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,5km đi qua 4 địa phương gồm các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Hiện nay, Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng sạch được khoảng 96% diện tích cho chủ đầu tư.
Trong các địa phương mà tuyến đường đi qua, H.Xuân Lộc hiện có diện tích chưa thực hiện bàn giao mặt bằng lớn nhất, với khoảng 2km chiều dài tuyến. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, hiện địa phương đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. “Trước mắt, huyện sẽ bàn giao mặt bằng khoảng 1,2km trong tổng số 2km còn lại” - ông Lê Khắc Sơn cho biết.
Ngoài việc thực hiện giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thuộc quyền sử dụng của người dân, các địa phương còn phối hợp với chủ đầu tư, các cơ quan chức năng thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông...
Để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo tiến độ dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã đề nghị 4 địa phương có đường cao tốc đi qua tăng cường vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành để hoàn thành các thủ tục thực hiện di dời các công trình hạ tầng. Đặc biệt, đối với công tác tái định cư cho người dân, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư để sớm giao đất cho người dân ổn định cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, do thời gian thi công dự án ngắn, nên trong hợp đồng với các nhà thầu, chủ đầu tư đều có điều khoản phạt nếu nhà thầu thi công chậm. “Như vậy, nếu công tác giải phóng mặt bằng chậm, không có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu làm chậm tiến độ thì các nhà thầu cũng sẽ có quyền kiện lại các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Từ yêu cầu trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị chính quyền Đồng Nai tiếp tục đôn đốc các địa phương nhanh chóng hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. “Diện tích còn lại cần bàn giao mặt bằng không lớn, do đó UBND tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các nhà thầu thi công” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị.
Phạm Tùng