Trong quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 35 KCN. Hiện 31/35 KCN của tỉnh đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy là 81%. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, nhiều địa phương sẽ bổ sung thêm đất cho công nghiệp.
Trong quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 35 KCN. Hiện 31/35 KCN của tỉnh đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy là 81%. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, nhiều địa phương sẽ bổ sung thêm đất cho công nghiệp.
Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh) dự kiến sẽ đưa vào quy hoạch để mở rộng diện tích thêm 500ha so với hiện tại. Ảnh:K. Minh |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, diện tích đất còn lại trong các KCN trên địa bàn tỉnh để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê làm nhà xưởng sản xuất còn rất ít. Các KCN Đồng Nai đã cho thuê được hơn 5,8 ngàn ha, đạt 81% diện tích đất cho thuê. Tuy còn 1,3 ngàn ha đất cho thuê nhưng nhiều diện tích còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
* Quy hoạch thêm nhiều KCN
Qua rà soát, các địa phương trong tỉnh đã đề xuất quy hoạch mới 8 KCN và mở rộng thêm 3 KCN. H.Long Thành là nơi đề xuất quy hoạch thêm 4 KCN gồm: KCN Phước Bình 2, KCN Phước Bình 3, KCN Phước Bình 4, KCN đô thị dịch vụ Bình An. H.Cẩm Mỹ đề xuất quy hoạch KCN đô thị dịch vụ Xuân Quế. TP.Long Khánh thêm KCN Hàng Gòn và H.Nhơn Trạch đề xuất chuyển đổi Khu hậu cần cảng Phước An thành KCN dịch vụ cảng Phước An. H.Trảng Bom đề xuất thêm KCN Bàu Xéo 2. Các KCN được đề xuất đưa vào quy hoạch có tổng diện tích hơn 4,1 ngàn ha.
Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Sắp tới, hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng và kết nối với giao thông vùng nên H.Cẩm Mỹ rất thuận lợi để phát triển thêm công nghiệp. Huyện quy hoạch phát triển công nghiệp để thu hút nhà đầu tư, người lao động nhằm mở rộng thương mại dịch vụ góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.
H.Cẩm Mỹ dự tính sẽ quy hoạch diện tích cho KCN Xuân Quế khoảng 580ha. Diện tích đất làm KCN chủ yếu là đất cao su nên sau khi hoàn thành thủ tục tiến hành thu hồi đất và xây dựng sẽ rất nhanh.
Trong khi đó, H.Long Thành là nơi đề xuất quy hoạch nhiều KCN nhất tỉnh, vì nhu cầu của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lớn. Chủ tịch UBND H.Long Thành Võ Tấn Đức cho rằng, trong tương lai, huyện sẽ trở thành trung tâm giao thông của tỉnh, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. “Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, huyện đưa vào quy hoạch nhiều KCN nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Khi cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đường cao tốc đi qua huyện được xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác, nơi đây càng hứa hẹn hấp dẫn rất nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư” - ông Đức nói.
* Lựa chọn kỹ nhà đầu tư
Bên cạnh việc đưa vào quy hoạch đầu tư mới các KCN, tỉnh dự tính trong giai đoạn tới sẽ bổ sung quy hoạch mở rộng thêm 3 KCN nữa là: KCN Dầu Giây (H.Thống Nhất) thêm 75ha; KCN Tân Phú thêm 170ha; KCN Long Khánh điều chỉnh mở rộng thêm 500ha thuộc H.Thống Nhất. Tỉnh tiếp tục đưa ra các tiêu chí để lựa chọn kỹ các nhà đầu tư cho phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Trong đó, doanh nghiệp muốn đầu tư vào các KCN của tỉnh buộc phải đáp ứng các tiêu chí là: công nghệ cao, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, lao động có tay nghề cao, dự án công nghiệp hỗ trợ...
Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay: “Mấy năm gần đây, Đồng Nai thu hút đầu tư vào các KCN có sự chọn lọc kỹ nên những dự án thu hút được đều đáp ứng các tiêu chí có công nghệ hiện đại. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị tỉnh từ chối”. Cũng theo ông Sỹ, thời gian qua, các doanh nghiệp trong KCN cũng từng bước thay đổi các loại máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất để tăng công suất, giảm lao động và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên giai đoạn tới sẽ được nhiều tập đoàn trong và ngoài nước chú ý đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, bất động sản... Đồng Nai tiếp tục là một trong những nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước nên việc mở rộng, quy hoạch thêm các KCN là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đồng Nai là nơi phát triển nhiều KCN nhất cả nước, nhưng đẳng cấp của nhiều KCN chưa cao. Do đó, tỉnh nên thuê các chuyên gia tư vấn giỏi để khai thác hết những lợi thế để hội nhập và phát triển, trở thành một trong những tỉnh, thành đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khánh Minh