Trong gần 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh ước đạt hơn 2,14 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu giày dép cả nước tăng trưởng âm nhưng tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng khá là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN).
Trong gần 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh ước đạt hơn 2,14 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu giày dép cả nước tăng trưởng âm nhưng tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng khá là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN).
Sản xuất giày dép tại Công ty CP Giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh:K. Minh |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 6-2020, kim ngạch xuất khẩu của giày dép là hơn 411 triệu USD, tăng 80 triệu USD so với tháng trước đó và tăng gần 12% so với tháng 6-2019. Giày dép sản xuất tại Đồng Nai hiện đã xuất vào khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
* Nằm trong “tốp 4”
Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu giày dép. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai chiếm hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 là 6,69 tỷ USD, giảm khoảng 310 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng, Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng khá, gần 7%. |
Đa số các DN sản xuất giày dép của Đồng Nai gia công cho những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Nike, Adidas, Puma, Reebok... Các khách hàng nước ngoài đánh giá khá cao khả năng thực hiện các đơn hàng của DN tại Đồng Nai. Do đó, đây là mặt hàng trong gần một thập niên qua, Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Riêng nửa đầu năm 2020, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành xuất khẩu tăng trưởng âm, nhưng riêng giày dép vẫn giữ mức tăng trưởng dương khá cao.
Ông Trần Quốc Bảo, Quản lý sản xuất của Công ty CP Giày dép Cao su màu (TP.Biên Hòa) cho hay: “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất, trong đó có giày dép. Nhiều đối tác nước ngoài đã phải tạm dừng đơn hàng hoặc kéo dài thời gian giao hàng khiến hầu hết các công ty đều gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Công ty đã phải tìm mọi cách chống đỡ để vẫn duy trì được sản xuất và xuất khẩu, hiện thị trường xuất khẩu đã sáng sủa hơn”.
Theo các DN sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5-2020 là thời điểm ngành giày dép phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Có những DN phải cho lao động tạm nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên vì thiếu đơn hàng hoặc các đơn hàng không thể xuất vì thị trường nhập khẩu đang trong cao điểm của cơn đại dịch nên tạm thời phải cách ly.
Tuy mặt hàng giày dép của Đồng Nai xuất vào khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng 2 thị trường chiếm tỷ trong lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Vì thế, khi hai thị trường trên sức mua giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến DN Đồng Nai cũng như DN cả nước trên lĩnh vực giày dép.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu của công ty. Đặc biệt, nhà máy sản xuất ở H.Tân Phú đã phải đưa vào hoạt động chậm hơn nhiều so với kế hoạch vì không nhập được máy móc về. Thế nhưng, công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất ở những nhà máy khác và đưa sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, Changshin là một trong 6 DN sản xuất giày dép lớn nhất của Đồng Nai.
* Dẫn đầu nhóm hàng xuất khẩu chủ lực
Đồng Nai có hơn 50 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm gần 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 6 tháng của năm 2020, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch gần 4,94 tỷ USD. Giày dép là mặt hàng có giá trị lớn nhất tỉnh. Đồng thời, đây cũng là mặt hàng có xuất siêu lớn nhất của Đồng Nai với trên 1,7 tỷ USD.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh và mỗi năm đều giữ được mức tăng trưởng khá. Các DN sản xuất trên lĩnh vực giày dép đều chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được những đơn hàng khó trong thời gian ngắn. Các đơn hàng sản xuất giày dép lớn những năm gần đây có xu hướng dịch chuyển về Đồng Nai nhiều hơn”.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các đơn hàng của DN giày dép, túi xách giảm mạnh. Nhiều đơn hàng đang được đàm phán cho những tháng cuối năm chưa chốt được số lượng cụ thể vì thị trường Hoa Kỳ, châu Âu sức tiêu thụ còn rất yếu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, việc làm, doanh thu của DN và người lao động. Tuy nhiên, các DN ngành giày dép vẫn cố gắng duy trì sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu đợi dịch bệnh lắng xuống, thị trường bình phục sẽ tăng công suất, xuất khẩu.
Khánh Minh