Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành gỗ gặp nhiều thách thức lớn

09:05, 21/05/2020

Việt Nam có khoảng 5 ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành gỗ với khoảng 2 ngàn DN xuất khẩu. Đồng Nai là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 2 cả nước. Tuy nhiên, hiện các thị trường lớn nhập khẩu đồ gỗ đang tạm ngưng nhận hàng khiến các DN đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.

Việt Nam có khoảng 5 ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành gỗ với khoảng 2 ngàn DN xuất khẩu. Đồng Nai là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 2 cả nước. Tuy nhiên, hiện các thị trường lớn nhập khẩu đồ gỗ đang tạm ngưng nhận hàng khiến các DN đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.

Sản xuất tại Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí, H.Trảng Bom. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí, H.Trảng Bom. Ảnh: V.Gia

Điều đó buộc các DN gỗ phải chật vật xoay xở với nhiều giải pháp để có thể tồn tại và tìm cơ hội phát triển.

* Khó khăn vẫn đang “bủa vây”

Công ty TNHH Đăng Long “đóng chân” tại cụm chế biến Gỗ Tân Hòa, TP.Biên Hòa là một trong những DN gỗ “triệu đô” của Đồng Nai. Được thành lập năm 2003 trên diện tích 3ha, DN này đã mạnh dạn đầu tư 80 tỷ đồng cho thiết bị máy móc mới để hoạt động. Qua 10 năm tìm kiếm thị trường, hiện Đăng Long là DN xuất khẩu gỗ lớn sang thị trường Mỹ với doanh số trên 12 triệu USD/năm.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các đối tác đồng loạt ngưng và hủy đơn hàng nên từ đầu tháng 4 vừa qua, DN này đã tạm thời ngừng hoạt động. Dự kiến, Đăng Long sẽ ngưng hoạt động đến hết tháng 5, sau đó tùy tình hình sẽ có kế hoạch tiếp theo.

Theo ông Đặng Văn Long, Giám đốc công ty thì với 500 lao động tại DN, trong tháng 4 - tháng đầu ngưng hoạt động, DN vẫn chi trả 75% lương. Đến tháng 5 này, gặp phải nhiều khó khăn nên 85% lao động phải tạm nghỉ việc không lương. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, tức là từ khi tạm ngừng hoạt động, DN này đã chi phí trên 2 tỷ đồng trong khi không thu được một đồng lợi nhuận nào.

Không chỉ Đăng Long mà hiện nay hầu hết các DN gỗ tại Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), hiện tại 60 DN trong hiệp hội đang chịu thiệt hại lớn với doanh số sụt giảm trên 70% so với cùng kỳ. Một số DN xuất khẩu lớn do không có đơn hàng đã phải tạm ngưng hoạt động, các DN nhỏ và siêu nhỏ dù vẫn còn hoạt động nhưng cũng bị sụt giảm từ 30-40% đơn hàng.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu,  Phó chủ tịch Dowa nhận định chưa bao giờ ngành gỗ Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung phải chịu thiệt hại lớn như thời điểm hiện tại. Tình trạng “đóng băng” ở các thị trường xuất khẩu đang tác động tiêu cực đến ngành gỗ, một ngành sản xuất có mức độ hội nhập rất sâu. Quy mô lao động của các DN đang giảm nghiêm trọng. Sức ép của  DN về vốn vay, bảo hiểm xã hội, các loại thuế và phí hiện tại như: tiền thuế đất, mặt bằng... là rất lớn.

* Xoay xở để tiếp tục tồn tại

Dự đoán tình hình khó khăn có thể còn kéo dài nên nhiều DN gỗ trong nước tìm cách mở rộng thị trường mới, ngoài các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ để kiếm đơn hàng về sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường nội địa là giải pháp ưu tiên ngay lúc này để DN có thể hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, người dân thực hiện thắt chặt chi tiêu, cộng với các dự án bất động sản trầm lắng cũng khiến thị trường của DN gỗ thu hẹp lại đáng kể. Việc “chen chân” vào thị phần nội địa càng gian nan, cần có lộ trình nhất định, bởi mỗi thị trường có yêu cầu về phong cách, hình thức, chất lượng... sản phẩm khác nhau. DN cần cải tiến thiết bị máy móc để làm những dòng sản phẩm có thể tháo rời, tiện dụng nhằm phục vụ nhu cầu mua hàng online đang phổ biến. DN cũng có thể đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng “phối trộn” giữa gỗ với các sản phẩm, chất liệu khác để phù hợp nhu cầu đa dạng của thị trường.

“Trăn trở lớn nhất của chúng tôi hiện nay là vấn đề về lao động. Theo các quy chuẩn quốc tế, DN buộc phải trả lương đầy đủ cho lao động mới có thể xuất hàng. Do vậy, chính sách vay vốn ưu đãi và những chính sách khác hỗ trợ DN về kinh phí trả lương cho công nhân cần được triển khai sớm. Đó là điều kiện để DN hồi phục và nắm bắt cơ hội, nắm bắt thị trường” - ông Đặng Văn Long kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Võ Quang Hà cho rằng chính lúc này, DN càng cần phải tự đổi mới, tìm cơ hội trong nguy khó để có hướng đi đúng.

“Các DN trong Dowa cần phải liên kết lại, chia sẻ lợi ích và khó khăn cùng nhau. Đặc biệt là xây dựng được chuỗi cung ứng khép kín. Điều này rất quan trọng bởi một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu từ các nước sẽ tăng mạnh trở lại và lúc đó, DN gỗ Việt mới có thể “chớp” được cơ hội” - ông Võ Quang Hà nhận định.

Ở khía cạnh khác, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trên phạm vi toàn cầu, các nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ của thế giới. Phần còn lại 40% bao gồm đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời… Vì vậy, trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Nhà nước và các tỉnh cần xem xét khi phê duyệt các dự án FDI một cách cẩn trọng. Tránh tình trạng DN FDI đầu tư quá nhiều vào các dòng sản phẩm chiến lược này để tận dụng tài nguyên và lao động tại Việt Nam, đồng thời làm mất thị phần của DN gỗ Việt.

Văn Gia

Tin xem nhiều