Hội nhập quốc tế là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) trong nước vươn ra biển lớn, có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng thị trường.
Hội nhập quốc tế là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) trong nước vươn ra biển lớn, có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng thị trường.
Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata). Ảnh: H.Lộc |
[links()]Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu về mức thuế theo tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).
* Mở ra nhiều cơ hội
Trong giai đoạn 2016-2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu.
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, các FTA thế hệ mới (đặc biệt với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết đều có điều khoản cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Nhiều mức thuế được đưa về 0%, có loại hàng hóa mức thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, có loại mức thuế được áp dụng theo lộ trình của nước tham gia ký kết.
Do đó, các mặt hàng của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tùy từng ngành, cơ hội này là khác nhau. Đơn cử, các mặt hàng trái cây, thủy sản, đồ gỗ và lâm sản có lợi thế cạnh tranh rất cao. Tiếp đến là một số sản phẩm khác cũng có lợi thế cạnh tranh tốt như: hồ tiêu, điều, cà phê…
Theo Sở Công thương, khi CPTPP có hiệu lực, những mặt hàng như: nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, dệt may... phần lớn miễn giảm mức thuế nhập khẩu xuống 0%. Tương tự, đối với EVFTA, phần lớn các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê, máy vi tính và các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử... sẽ giảm về 0% khi hiệp định này có hiệu lực.
Trong số các mặt hàng trên thì các sản phẩm chủ lực của Đồng Nai như: cà phê, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ… sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu từ các thị trường trong CPTPP và EVFTA.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, hiện nay các thị trường lớn của công ty là Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… Do đó, các FTA như: CPTPP, EVFTA… sẽ mở ra nhiều cơ hội cho công ty mở rộng, phát triển thị trường, hưởng các mức thuế nhập khẩu ưu đãi vào các thị trường lớn. Để đón đầu xu thế hội nhập, công ty chi khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm để ứng dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất để đảm bảo tăng năng suất, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng lớn khi có cơ hội.
* Thách thức giữa “biển lớn”
Các FTA giúp cho các DN trong nước có điều kiện phát triển, vươn tầm trong khu vực và thế giới. Song, đây cũng là thách thức khiến cho những DN trong nước gặp nhiều áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng với nhiều loại hàng hóa ngoại nhập “tràn về”.
Khách hàng tham khảo mẫu xe tại Đại lý Vinfast Biên Hòa (P.Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân |
Theo báo cáo của VCCI, trong số DN tư nhân đang hoạt động trên cả nước, số DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các DN và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cả nước có tới 96% DN đang hoạt động là DN siêu nhỏ và nhỏ.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, nhiều DN ở địa phương hiện vẫn yếu và thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các FTA. Hơn thế nữa, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn thiếu chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh. Một số DN mới chỉ dừng lại ở mức “làm được đến đâu tính đến đó”.
Đơn cử, đối với mặt hàng nông sản, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển quy mô sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều DN, đơn vị sản xuất trong lĩnh vực này trong tỉnh vẫn còn sản xuất kiểu manh mún, chưa có nhiều điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các DN Việt Nam, nhất là đối với những DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa bởi năng lực tự sản xuất, tìm kiếm nguyên phụ liệu của những DN này còn hạn chế, gặp khó khăn về nguồn vốn, khoa học công nghệ.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM nhận định, thực tế cho thấy, DN trong nước vẫn còn nhiều điểm hạn chế so với DN ở các nước trong khu vực. Một trong những điểm hạn chế lớn nhất là sự thiếu tính liên kết, chuyên nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của nhiều DN còn chưa cao. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh tuy có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn thấp về quy mô so với các nước phát triển.
Ngoài ra, các DN cũng cần quan tâm, lưu ý, có phương án sản xuất phù hợp để đáp ứng các yêu cầu về: vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất...
Đặc biệt, trong thời gian qua, cả nước nói chung và trên địa bàn Đồng Nai nói riêng đã xuất hiện trường hợp vi phạm liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam. Câu chuyện “núp bóng” hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi xuất hàng vào các nước có FTA với Việt Nam đang là “chủ đề nóng” trên nhiều diễn đàn về thương mại.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, hiện tượng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều hơn với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận một số trường hợp liên quan đến hình thức vi phạm này. Các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN nội địa.
Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam gia tăng, nhất là trước những diễn biến phức tạp từ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó, có 2 nhóm chính: nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho hay, để nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập, các DN ở địa phương cần nỗ lực đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, các DN cần xác lập hệ thống phòng ngừa rủi ro với tầm nhìn toàn diện hơn trong bối cảnh tình hình thương mại trên thế giới đang có nhiều thay đổi.
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, Cục sẽ tăng cường các chuyên đề kiểm tra và xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, xử lý những loại hàng hóa giả mạo nhãn mác, gian lận xuất xứ Việt Nam...
Sở Công thương sẽ tiếp tục tuyên truyền về các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết nhằm nâng cao nhận thức của DN, giúp DN chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm địa phương tại thị trường trong và ngoài nước. |
Hải Quân
Bài 4: Để người dân ngày càng tin dùng hàng Việt