Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn 'xanh - sạch - đẹp'

09:12, 30/12/2019

Trước đây, vấn đề môi trường khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm chất thải chăn nuôi, trồng trọt, chất thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý theo quy định.

Trước đây, vấn đề môi trường khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm chất thải chăn nuôi, trồng trọt, chất thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý theo quy định.

Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

* Làm sạch môi trường nông thôn

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh cho biết, trong xây dựng NTM, tiêu chí môi trường là một trong những nội dung trọng tâm luôn được Đồng Nai quan tâm thực hiện. Nổi bật như phong trào thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp được phát động về khắp các địa phương. Kết quả, toàn tỉnh đã lắp đặt được 1.149 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn rác độc hại này được thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại tiêu hủy đúng quy định.

Cũng theo ông Lê Văn Gọi, toàn tỉnh hiện có 16 dự án đầu tư xây dựng được giới thiệu địa điểm đầu tư vào 9 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch; trong đó, 9 dự án đã và đang tiếp tục nhận, xử lý chất thải đáp ứng việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được nhân rộng khắp các địa phương của tỉnh được người dân ủng hộ. Bà Phạm Thị Vân (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, trước đây, xung quanh các rẫy trồng hồ tiêu, bắp, lúa, mỗi khi phun thuốc bảo vệ thực vật xong, người dân vứt bao bì, chai đựng ra xung quanh. Nhiều hộ dù biết tác hại của các vỏ thuốc trừ sâu đối với sức khỏe và môi trường nhưng cũng không biết vứt đi đâu. Sau này, địa phương được đầu tư bể thu gom rác thải, người dân được tuyên truyền nên dần hình thành thói quen thu gom bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật bỏ đúng nơi quy định. Nhờ đó, trên cánh đồng, ngoài môi trường không còn cảnh rác thải, bao bì đựng thuốc trừ sâu độc hại vứt vương vãi khắp nơi. 

Phong trào bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng phát huy vai trò, sự đóng góp của người dân. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nhiều giải pháp của cơ quan quản lý đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, ấp.

Tiêu biểu là Đề án tổng thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2016-2020. 11/11 huyện, thành phố của Đồng Nai đã tổ chức thí điểm thực hiện tại 40 xã, phường, tập trung ở các trường học, chợ... thu hút trên 29 ngàn hộ dân đăng ký tham gia. Trong đó, có trên 15 ngàn hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, đạt 52%.

Riêng huyện Long Thành tổ chức thực hiện tại 59 trường học các cấp, 3 khu chợ. Nhờ đó, nhận thức của người dân tại khu vực thí điểm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giai đoạn 1 từ năm 2016-2018, tổng khối lượng rác sinh hoạt phân loại được thu gom và xử lý là 358 tấn/ngày, đạt hơn 19,5% so với khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.

* Sạch từ nhà ra ngõ

Cũng theo ông Lê Văn Gọi, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về bảo vệ môi trường luôn được các địa phương chú trọng thực hiện. Qua đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân dần được nâng lên. Chính người dân nông thôn trở thành lực lượng chính giữ gìn môi trường và góp phần xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) là đơn vị có nhiều thành tích đóng góp xây dựng NTM tại địa phương. Đơn vị này được thành lập nhằm tổ chức các dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, sản xuất, cung cấp nước sạch, kinh doanh khai thác chợ...

Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tiến chia sẻ khó khăn về những ngày đầu mới tổ chức hoạt động thu gom rác thải ở vùng nông thôn: “Thời điểm đó, đa số người dân nông thôn vẫn có thói quen đổ rác ra môi trường. Chúng tôi phải kiên trì vận động tạo thói quen đổ rác tập trung và bỏ tiền trả chi phí thu gom nguồn rác đó”. Đến nay, người dân đã có thói quen giữ gìn vệ sinh chung, cùng góp sức giữ xóm làng sạch đẹp từ nhà ra ngõ.

Bà Nguyễn Thị Mẫn (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây, nông dân còn nghèo, lo chạy ăn từng bữa, chỉ quan tâm đến làm kinh tế. Giờ cuộc sống ngày càng khá giả, người dân mới quan tâm chăm chút trồng cây cảnh làm đẹp từ nhà ra ngõ. Hội phụ nữ xã, ấp lập quỹ, cứ 2 ngày là quét đường một lần, trồng hoa để có những tuyến đường xanh - sạch - đẹp nên nhà nhà đều có ý thức tốt hơn trong giữ gìn vệ sinh chung. “Nông thôn bây giờ rất yên bình, cuộc sống khá giả dần, ai cũng có công ăn việc làm nên nạn trộm cắp tài sản giảm hẳn” - bà Mẫn nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều