Đồng Nai là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với hàng chục khu công nghiệp đã được thành lập. Bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghiệp thì khu vực nông thôn cũng có mặt nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng Nai là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với hàng chục khu công nghiệp đã được thành lập. Bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghiệp thì khu vực nông thôn cũng có mặt nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sản xuất đàn guitar tại cơ sở của anh Nguyễn Xuân Dũng. Ảnh: V.Gia |
Những sản phẩm công nghiệp nông thôn của Đồng Nai đang nỗ lực để tìm đầu ra, phát triển thị trường tiêu thụ.
* Doanh nghiệp nỗ lực bán hàng
Cơ sở sản xuất đàn guitar của anh Nguyễn Xuân Dũng, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom đã có thâm niên gần 30 năm. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất đàn guitar này xuất bán ra thị trường gần 15 ngàn cây đàn, thị trường chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Sản phẩm đàn guitar Xuân Dũng lần lượt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện vào năm 2013, cấp tỉnh năm 2014 và khu vực miền Nam vào năm 2018. Năm 2019, sản phẩm này vinh dự được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
“Việc được chứng nhận là sản phẩm cấp quốc gia đã khẳng định giá trị của sản phẩm và sự nỗ lực của cơ sở trong suốt gần 30 năm hoạt động. Để được công nhận, sản phẩm của chúng tôi đã phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định như: sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu, có chất lượng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước” - ông Nguyễn Xuân Dũng cho hay.
Tương tự, sản phẩm chuối sấy giòn của Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất đã có cách đây khoảng 12 năm. Năm 2017, cơ sở mở rộng 2 xưởng sản xuất và mua sắm máy móc để chế biến thực phẩm từ nông sản với tổng vốn khoảng 4 tỷ đồng. Do đó, năng lực sản xuất tăng gấp 3-4 lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện tốt hơn điều kiện lao động cho công nhân. Hiện mỗi ngày Cơ sở Cường Hoa bán ra thị trường cả nước từ 3-4 tấn sản phẩm, riêng chuối sấy đã chiếm khoảng 2 tấn.
Một sản phẩm khác là mi mắt giả của Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại mi mắt Mi Trang có từ năm 1994. Khởi đầu từ gia công cho một cơ sở sản xuất mi mắt giả tại TP.Biên Hòa, dần dần Mi Trang tự sản xuất sản phẩm hoàn thiện, thâm nhập thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi tháng doanh nghiệp có thể sản xuất từ 100-200 ngàn bộ mi mắt giả. Khoảng 80% số này được xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước trong Liên minh châu Âu dưới các thương hiệu khác nhau.
Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm thuộc dạng khá cao so với các cơ sở cùng sản xuất mặt hàng này, tuy nhiên, sản phẩm của Công ty Mi Trang vẫn chưa phát triển được thương hiệu riêng trên thị trường. Đây đang là nỗi trăn trở của doanh nghiệp. Để cụ thể hóa ý tưởng này, sắp tới Mi Trang sẽ tiến hành các thủ tục đăng ký độc quyền thương hiệu, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại khác.
* Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Theo Sở Công thương, Đồng Nai xác định phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là nhiệm vụ quan trọng. Định kỳ mỗi năm 1 lần, Sở đều tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Việc bình chọn nhằm phát hiện các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng cao, và có tiềm năng phát triển sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và quảng bá sản phẩm của mình đến khách hàng.
Mặc dù vậy, các sản phẩm công nghiệp nông thôn của Đồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mẫu mã và bao bì. Nhiều sản phẩm đăng ký tham gia nhưng không đủ điều kiện công nhận do thiếu giấy tờ liên quan đến chất lượng, hoặc không có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường hoặc vướng mắc thủ tục đất đai, môi trường.
Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, để khuyến khích nghệ nhân, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, Sở sẽ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tạo điều kiện về kinh phí, đào tạo lao động, cải tiến kỹ thuật sản xuất...
Song song đó, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, nhất là khi có mong muốn được vào các cụm công nghiệp làng nghề. Doanh nghiệp cũng có cơ hội được vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công hằng năm nhằm đổi mới công nghệ sản xuất. Ngoài ra, ngành Công thương đang nỗ lực để triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại khu vực công nghiệp nông thôn, góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 148 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Riêng giai đoạn 2014-2018 có 100 sản phẩm được bình chọn (thuộc sản phẩm của 75 cơ sở công nghiệp nông thôn). Trên cơ sở kết quả bình chọn 100 sản phẩm cấp tỉnh giai đoạn 2014-2018, có 18 sản phẩm được bình chọn cấp khu vực và 9 sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia. |
Văn Gia