Báo Đồng Nai điện tử
En

Dẹp giết mổ lậu - bài toán khó

11:12, 11/12/2019

Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn tập trung dẹp bỏ lò giết mổ lậu với nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm nạn giết mổ lậu và hoạt động vận chuyển, kinh doanh sản phẩm giết mổ kém chất lượng.

Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn tập trung dẹp bỏ lò giết mổ lậu với nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm nạn giết mổ lậu và hoạt động vận chuyển, kinh doanh sản phẩm giết mổ kém chất lượng.

Lò giết mổ Lifsap của Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) hoạt động hiệu quả nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Ảnh: Phạm Tùng
Lò giết mổ Lifsap của Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) hoạt động hiệu quả nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Ảnh: Phạm Tùng

[links()]Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ là lời giải căn cơ cho bài toán khó dẹp giết mổ lậu.

* Chưa xử lý dứt điểm

Làm việc về tình hình dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai vào đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Đồng Nai phải tổ chức được các phương án sát thực, hiệu quả với các giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phải xử lý nghiêm nạn giết mổ lậu đang là nguyên nhân gây lây lan các loại dịch, bệnh.

Từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) và các địa phương liên tục kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều lò giết mổ heo lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường.

Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm nạn giết mổ lậu vẫn là bài toán khó. Chỉ ra những hạn chế trong việc xử lý triệt để nạn giết mổ lậu, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho rằng, do chế tài xử lý còn quá nhiều kẽ hở, mức xử phạt chưa đủ răn đe. Ông Tùng so sánh: “Một cơ sở giết mổ lậu bị bắt 2 lần/tháng, đóng phạt vài triệu đồng/lần thì vẫn có lợi nhuận; thậm chí có trường hợp giết mổ lậu bị lập biên bản xử phạt hành chính mà chủ lò mổ lậu không chấp hành, nhưng cơ quan chức năng địa phương lại rất khó khăn khi muốn sử dụng biện pháp cưỡng chế”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là những trường hợp giết mổ lậu khi tái phạm vẫn bị xử lý hành chính với mức đóng phạt còn thấp, lợi nhuận 1 ngày của lò mổ lậu cũng đủ tiền đóng phạt. Trong đó, nhiều vụ vi phạm thu mua heo bệnh, heo chết để giết mổ, tiêu thụ nhưng không thể khởi tố hình sự do chưa có quy định.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: “Việc xử lý tình trạng giết mổ lậu vẫn dựa vào phạt hành chính nên không khả thi. Đồng Nai đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ra chế tài xử lý nặng hơn đối với hành vi giết mổ heo lậu”.

* Nên vào chuỗi liên kết

Xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ giúp các cơ sở giết mổ Lifsap và người chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Theo Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh, sau 8 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thiết lập 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP), xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác (GAHP) với tổng số thành viên tham gia đạt 891 hộ.

Trong số này, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP... Các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP thực hiện bấm thẻ tai cho đàn heo, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng được 2 chuỗi kết nối sản phẩm heo an toàn để cung cấp vào hệ thống siêu thị BigC và MM Mega Market.

Công ty TNHH Thy Thọ
(TP.Long Khánh) hoạt động tốt nhờ tham gia chuỗi liên kết cung cấp thịt heo VietGAHP vào hệ thống Công ty MM Mega Market và các cửa hàng thực phẩm sạch. Doanh nghiệp này là đầu mối thu mua, tổ chức giết mổ trong chuỗi liên kết bao tiêu heo đạt chuẩn VietGAHP của Công ty MM Mega Market Việt Nam với các hộ chăn nuôi VietGAHP của Đồng Nai.

Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ cho biết, hiện lò giết mổ đạt công suất hoạt động lên mức 70-80%, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu hoạt động cầm chừng. Ứng phó với dịch tả heo châu Phi, TP.Hồ Chí Minh kiểm soát gắt gao hơn nguồn heo đưa vào thị trường này tiêu thụ nên heo an toàn, truy xuất được nguồn gốc có lợi thế cạnh tranh hơn. “Không chỉ TP.Hồ Chí Minh ngày càng siết chặt việc quản lý và chỉ nhập heo truy xuất được nguồn gốc từ các tỉnh về thành phố, Đồng Nai cũng đang tập trung triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăn nuôi. Đây là cơ hội để thịt sạch từ các lò mổ Lifsap mở rộng kênh tiêu thụ” - ông Thọ nói.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 95 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt số tiền hơn 700 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: giết mổ không đúng quy định, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, một số cơ sở giết mổ động vật chết, bệnh… Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý hơn 26 tấn thực phẩm, sản phẩm từ động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trần Danh

Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều