Năm 2019 sắp kết thúc, nhiều dự án giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh dù đã triển khai nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến đời sống người dân...
Năm 2019 sắp kết thúc, nhiều dự án giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh dù đã triển khai nhiều năm vẫn chưa hoàn thành.
Dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây bị chậm tiến độ dù nhiều lần được gia hạn. Trong ảnh: Thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây tại dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây. Ảnh: P.TÙNG |
* Chậm từ dự án quốc gia đến dự án tỉnh
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, các dự án giao thông thường trải dài nên khi thực hiện số hộ dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất lớn. Điều này cũng khiến cho công tác giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông gặp nhiều khó khăn. |
Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây được khởi công vào đầu tháng 2-2017, theo dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 3-2018. Tuy nhiên, sau đó, dự án đã không thể hoàn thành kịp tiến độ. Chính vì vậy, dự án đã được Bộ Giao thông - vận tải cho phép lùi thời hạn đến cuối tháng 10-2018, nhưng vẫn tiếp tục bị “trễ hẹn”.
Đến thời điểm này, khi đã chậm hơn 20 tháng so với thời điểm dự kiến hoàn thành ban đầu nhưng dự án nút giao Dầu Giây vẫn đang hết sức ngổn ngang và chưa thể xác định được thời gian hoàn thành.
Việc dự án nút giao Dầu Giây liên tục bị chậm tiến độ khiến tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra tại khu vực này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Ngô Văn Cường, người dân KP.Trần Cao Vân, thị trấn Dầu Giây bức xúc cho biết, cầu vượt Dầu Giây thi công quá lâu khiến cho khu vực này thường xuyên bị ách tắc giao thông. “Người dân giờ chỉ mong làm sao cầu sớm hoàn thành để bà con lưu thông đỡ khổ” - ông Ngô Văn Cường chia sẻ.
Một dự án giao thông khác được Bộ Giao thông - vận tải triển khai, đang thi công trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào thực trạng chậm tiến độ là cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (chủ đầu tư dự án), cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km, trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai (2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành) dài hơn 27km.
Thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây tại dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây. Ảnh: P.TÙNG |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thi công các gói thầu xây lắp (A5, A6 và A7) đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã chậm hơn nửa năm so với tiến độ cam kết ban đầu. Hiện gói thầu A5 mới đạt gần 40%, gói thầu A7 đạt hơn 26% và gói thầu A6 chỉ đạt gần 23% tiến độ.
Tương tự 2 dự án giao thông được Bộ Giao thông - vận tải triển khai, nhiều dự án giao thông do UBND tỉnh thực hiện cũng rơi vào cảnh chậm tiến độ, kéo dài.
Huyện Nhơn Trạch hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động. Do đó, nhu cầu kết nối giao thông để phát triển kinh tế rất cấp bách. Dự án đường 319 được khởi công xây dựng vào tháng 8-2015 được kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến kết nối để Nhơn Trạch bứt phá, phát triển. Đây là tuyến đường xuyên qua các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, nối 2 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, trong sơ đồ quy hoạch giao thông của huyện Nhơn Trạch, đường 319 lại có vai trò kết nối 3 tuyến đường liên huyện vào 2 tuyến cao tốc và kết nối xuống cầu, Cảng Phước An để đi qua khu vực Cái Mép, Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo dự kiến ban đầu, dự án đường 319 hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do chậm tiến độ, dự án sau đó đã được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thiện vào đầu quý I-2020. Thế nhưng, thực tế tình hình thi công hiện nay, dự án này khó có thể đảm bảo tiến độ và chỉ có thể hoàn thành vào đầu quý II-2020.
Một dự án khác cũng “trễ hẹn” ngày hoàn thành là dự án đường Sông Nhạn - Dầu Giây từ hương lộ 10 (đường Cẩm Mỹ - Long Thành) đến cầu Sông Nhạn (huyện Thống Nhất). Dự án này dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc thi công tuyến đường này vẫn chưa thể hoàn thành.
* Vẫn là “nút thắt” mặt bằng
Cũng như nhiều dự án khác đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh, các dự án giao thông bị chậm tiến độ hiện nay đều có nguyên nhân chủ yếu do khâu giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BT 20-Cửu Long, chủ đầu tư dự án nút giao ngã tư Dầu Giây, công trình liên tục bị “vỡ” kế hoạch hoàn thành chủ yếu do thiếu mặt bằng thi công. Trong suốt thời gian dài, việc thi công dự án diễn ra một cách cầm chừng, chậm chạp vì không được bàn giao mặt bằng sạch. “Năm 2019 việc thi công dự án rất chậm, có thời điểm phải ngưng thi công do không có mặt bằng” - ông Hoàng Văn Mậu cho hay.
Trong khi đó, dù diện tích mặt bằng được bàn giao khá lớn, đạt khoảng 97% tổng diện tích cần thi công, tuy nhiện dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành đoạn qua tỉnh Đồng Nai cũng rơi vào cảnh triển khai “ì ạch”. Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dù diện tích mặt bằng được giao khá lớn, tuy nhiên bàn giao mặt bằng bị ngắt quãng, không liền đoạn nên các nhà thầu không thể triển khai thi công.
Đối với các dự án giao thông do UBND tỉnh triển khai, mặt bằng cũng đang là “nút thắt” khiến tiến độ thi công bị chậm trễ, kéo dài.
Dự án đường Sông Nhạn - Dầu Giây hiện nay đã thi công đạt 98% khối lượng công trình. Thế nhưng chỉ với 2% còn lại, nhiều tháng qua, đơn vị thi công vẫn chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân là do hiện nay trong khu vực thực hiện dự án ở địa bàn xã Cẩm Đường, huyện Long Thành vẫn còn 1 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Cũng chính vì vậy, việc thi công dự án buộc phải tạm ngưng, ảnh hưởng đến tiến độ của toàn bộ dự án.
Ông Dương Minh Tâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, hiện đơn vị được giao làm chủ đầu tư của 5 dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đang chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
* Càng kéo dài… càng vướng
Mặt bằng được xem là “nút thắt” lớn gây ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thực tế cũng cho thấy, những vướng mắc về mặt bằng càng kéo dài lại càng trở nên vướng và khó giải quyết hơn. Từ đó, các dự án giao thông bị chậm trễ càng… chậm trễ hơn.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay, các dự án giao thông thường có diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân nên công tác giải phóng mặt bằng vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Do khó khăn nên việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông thường kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án mà cũng làm rắc rối hơn công tác giải phóng mặt bằng. “Có dự án huyện đã hoàn thành phương án bồi thường, tuy nhiên do người dân không đồng ý nên phải tiến hành đối thoại. Sau đối thoại thì thay đổi giá đền bù nên địa phương lại phải làm lại phương án bồi thường dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện” - bà Nguyễn Thị Giang Hương chia sẻ.
Đặc biệt, do kéo dài công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên một số dự án giao thông rơi vào tình trạng “1 dự án, 2 chính sách”.
Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang gặp vướng trong quá trình thực hiện tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng dự án. Cụ thể, những hộ dân bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư sớm chỉ phải nộp tiền sử dụng đất với hệ số thấp. Tuy nhiên, đối với những hộ trước đây có khiếu nại, hiện nay mới nhận đất tái định cư thì do chính sách thay đổi nên phải nộp tiền sử dụng đất với hệ số cao hơn.
Lên phương án điều tiết đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao Dầu Giây trong dịp Tết Ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long, chủ đầu tư dự án nút giao ngã tư Dầu Giây cho biết, do dự án bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành xây dựng trước dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên đơn vị đã xây dựng phương án điều tiết giao thông qua khu vực để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp trước, trong và sau Tết. Cụ thể, ngoài việc phân công người thực hiện điều tiết ngay tại công trường để điều tiết các phương tiện, đơn vị cũng đã xây dựng phương án điều tiết từ xa. Để tránh nguy cơ ùn tắc, đơn vị sẽ hướng dẫn các phương tiện lưu thông theo hướng vòng sang quốc lộ 20 rồi đi vòng trở lại qua vị trí thi công cầu vượt Dầu Giây. Hiện các phương án này đã được trình cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét thực hiện. Nút giao ngã tư Dầu Giây nằm ở vị trí huyết mạch trên tuyến quốc lộ 1A. Do đó, vào các dịp trước, trong và sau Tết lượng phương tiện lưu thông qua khu vực này tăng cao. Để đảm bảo an toàn giao thông, theo dự kiến, khoảng 10 ngày trước Tết, đơn vị thi công sẽ ngưng toàn bộ các hoạt động thi công trên công trường. Quỳnh Nhi |
Phạm Tùng