Để phát triển nông nghiệp bền vững, trong những năm qua, Đồng Nai triển khai nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ để phát triển sản xuất sạch, sản xuất an toàn, trong đó có hàng trăm hécta cây trồng đạt chuẩn VietGAP.
Để phát triển nông nghiệp bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, Đồng Nai triển khai nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ để phát triển sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Tỉnh đã nhân rộng được hàng trăm hécta cây trồng đạt chuẩn VietGAP. Mô hình này cũng không ngừng được nhân rộng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Mô hình trồng rau đạt chuẩn GlobalGAP trong nhà màng tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên |
Trước cơ hội ngày càng lớn của cả thị trường nội địa và xuất khẩu về thực phẩm sạch, nhiều nông dân đã thực sự có nhận thức mới, mạnh dạn đầu tư sản xuất sạch. Họ cũng chủ động tìm cho mình những hướng đi riêng để có “đầu ra” cho sản phẩm an toàn, nhắm vào kênh bán lẻ đối với khách hàng có điều kiện kinh tế, thu nhập ổn định muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
* Không theo lối mòn
Tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, một số nông dân trồng bưởi đã và đang tìm cách làm riêng hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn chứ không trông chờ Nhà nước hỗ trợ rồi mới sản xuất và được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP như trước. Những nông dân này tự ủ phân hữu cơ; sử dụng các loại thuốc sinh học để thay thế cho các loại phân, thuốc hóa học...
Ông Lương Quốc Hùng, nông dân trồng bưởi xã Bình Lợi cho hay, ông và một số nông dân khác trong vùng vừa thành lập Câu lạc bộ Hữu Cơ để cùng nhau nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm hữu cơ, nâng cao chất lượng cho trái bưởi. Hiện tại vườn bưởi 1,5 hécta của ông Hùng đã làm theo hướng hữu cơ.
Ông Hùng chia sẻ: “Làm nông nghiệp sạch thật sự không tốn chi phí nhiều bằng sử dụng các loại thuốc, phân hóa học. Nhưng cái khó là người nông dân mất nhiều công sức để nghiên cứu, theo dõi sinh trưởng của cây”. Ngoài ra, trái bưởi trồng theo hướng hữu cơ cũng không được đẹp, mướt như được xịt thuốc. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng đã hiểu và chấp nhận mẫu mã nên vẫn có thị trường tiêu thụ.
Theo ông Hùng, trong tương lai, Bình Lợi sẽ có nhiều vườn bưởi được trồng theo hướng hữu cơ hoàn toàn, nhắm tới thị trường khách lẻ tại các khu dân cư, đô thị có thu nhập khá. Các chủ vườn cũng rất năng động tổ chức giao hàng tận nơi theo yêu cầu và bảo đảm về chất lượng trái bưởi với khách hàng. Hiện nay đã có một số nông dân có đầu ra ổn định nhờ sản xuất sạch. “Tôi hy vọng trong tương lai, ngày càng có nhiều nông dân hướng tới sản xuất sạch, không chỉ bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần giữ gìn môi trường nông thôn luôn trong lành” - ông Hùng nói.
Cùng là nông dân nhanh nhạy thay đổi sản xuất trước yêu cầu mới của người tiêu dùng hiện nay, bà Doãn Thị Lương, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) cũng đã đầu tư 4 sào nhà lưới trồng các loại rau: khổ qua, dưa leo, cải, dưa hấu, đậu bắp, đậu ve, cải rổ. Nhờ chủ động tìm đầu ra là các cửa hàng rau sạch tại TP.Long Khánh và chợ, thu nhập của bà Lương tăng gấp nhiều lần so với trước, trung bình thu được từ 500-800 ngàn đồng/ngày, cao điểm có ngày được 1 triệu đồng. Trong khi đó, trước kia bà Lương trồng đại trà tuy không mất công chăm sóc nhưng đầu ra bị phụ thuộc, giá trị kinh tế không cao, chỉ thu được 200-300 ngàn đồng/ngày.
* “Bắt tay” làm nông sản sạch
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư hệ thống điện, đường, có các chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sạch. Họ không chỉ làm sạch cho mảnh vườn riêng của bản thân mà còn liên kết với nhiều nông dân khác để tăng sản lượng nông sản đạt chất lượng cao cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Ông Đoàn Trung Ngọc tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) là nông dân đi tiên phong trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình GlobalGAP để xuất khẩu tốt vào thị trường châu Âu. Để nhân rộng diện tích thanh long đạt chất lượng xuất khẩu, ông Ngọc đã hỗ trợ cả chục ngàn hom giống thanh long hoặc bán trả chậm hom cho các hộ dân tại địa phương. “Hiện tôi đang hướng dẫn kỹ thuật trồng sạch và bao tiêu trái cho nhiều nhà vườn tại địa phương để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Vì có đầu ra ổn định nên nông dân ngày càng quan tâm chuyển đổi sản xuất sạch” - ông Ngọc nói.
Ông Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc Hợp tác xã nông trại Dốc Mơ Farm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chia sẻ, từ mô hình thử nghiệm 2 hécta làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên không sử dụng hóa chất, hiện trang trại đang mở rộng quy mô sản xuất lên 17 hécta theo mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện trang trại đang cho trồng đa dạng các loại rau, dược liệu đến các loại cây ăn trái để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Theo ông Thọ: “Chúng tôi đã đầu tư xưởng sơ chế, chế biến tại trang trại; tổ chức các kênh phân phối cho sản phẩm sạch. Chúng tôi rất mong liên kết, nhân rộng các mô hình làm nông an toàn này cho nhiều hộ nông dân trong vùng và sẵn sàng bao tiêu cho nông dân vì hiện sản phẩm sạch chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Bình Nguyên - Ngọc Liên