Một nền kinh tế hạn chế việc thanh toán tiền mặt đến mức thấp nhất là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều theo đuổi. Thanh toán bằng tiền mặt là thói quen tiện lợi lâu đời, song ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ và đặc biệt khó quản lý các dòng tiền ở mức độ vĩ mô.
Một nền kinh tế hạn chế việc thanh toán tiền mặt đến mức thấp nhất là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều theo đuổi. Thanh toán bằng tiền mặt là thói quen tiện lợi lâu đời, song ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ và đặc biệt khó quản lý các dòng tiền ở mức độ vĩ mô.
Chính vì vậy, Chính phủ từ 10 năm trước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt trên phạm vi cả nước. Đó cũng là lý do mà từ năm 2006 đến nay, Chính phủ liên tiếp ban hành 3 đề án về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cho các giai đoạn
2006-2010; 2011-2015 và 2016-2020.
Mới nhất là Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg vào tháng 12-2016. Đề án có nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý có mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam.
Cùng với đề án trên, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ POS.
Ngoài ra, ngày 24-2-2018, Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội... và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong năm 2019. Đây được xem như là tạo thêm cơ hội để thanh toán không dùng tiền mặt có những đột phá mới.
Mặc dù vậy, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam vào năm 2020 xem ra không dễ đạt được, đặc biệt xét dưới góc độ thói quen của người tiêu dùng cả nước hiện nay. Đơn cử, muốn hạn chế thanh toán bằng tiền mặt thì tối thiểu người dân cần có một tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại đến 70% người dân vẫn đang sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi thậm chí chưa có hệ thống phòng giao dịch ngân hàng, chưa nói đến hạ tầng thanh toán như các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ có máy quét thẻ thanh toán.
Ngay tại các đô thị, thanh toán không dùng tiền mặt nhìn chung cũng chỉ mới phổ biến ở một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng. Đa số vẫn chọn cách thanh toán bằng tiền mặt, không chỉ do sự tiện lợi mà còn do thói quen “ăn sâu” chưa thể thay đổi của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ và từng được xem là yếu tố nền tảng để các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ứng dụng và phổ biến rộng rãi hơn. Song điều nghịch lý là dù mua hàng trực tuyến, nhưng rất nhiều người vẫn chọn cách thanh toán tiền mặt. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương đưa ra, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt (nguồn: VnEconomy).
Như vậy, chính sách đã làm khá tốt ở khía cạnh khuyến khích phát triển hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, ủng hộ hệ thống ngân hàng phát triển hình thức này một cách rộng rãi hơn, thậm chí quy định những hình thức thanh toán có liên quan đến dịch vụ công phải “đi trước” để làm gương. Song có vẻ hiện nay vẫn chưa có chính sách hoặc quy định nào có thể tham gia làm thay đổi thói quen của chính nguời tiêu dùng Việt Nam - yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng một nền kinh tế có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Vi Lâm