Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư dù đối mặt với bất ổn kinh tế toàn cầu

05:10, 25/10/2019

Theo báo cáo mới nhất của công ty luật Baker McKenzie, hoạt động đầu tư và giao dịch trên toàn thế giới sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2020, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Theo báo cáo mới nhất của công ty luật Baker McKenzie, hoạt động đầu tư và giao dịch trên toàn thế giới sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2020, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Nien Hsing, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Nien Hsing, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

 

Theo báo cáo mới nhất của của công ty luật Baker McKenzie, hoạt động đầu tư và giao dịch trên toàn thế giới sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2020, do tình trạng bất ổn lẫn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, nhưng nhiều khả năng vẫn phục hồi khá mạnh mẽ sau năm 2020.

Trong báo cáo có tên “Dự báo Giao dịch Toàn cầu” thường niên phối hợp với công ty phân tích tài chính Oxford Economics, Baker McKenzie cho biết tổng giá trị các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 2.800 tỷ USD trong năm 2019 xuống còn 2.100 tỷ USD vào năm 2020.

Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng có xu hướng đi xuống, với báo cáo ước tính tổng giá trị của các đợt IPO sẽ giảm 23% từ mức 152 tỷ USD dự kiến trong năm 2019 xuống còn 116 tỷ USD vào năm tới.

Đối với Việt Nam, Baker McKenzie dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm trong 18 tháng tới, do xu hướng xuất khẩu suy yếu trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc thấp hơn và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng.

Hiện tại, mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam là 6,2% - vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,8%.

Tuy nhiên, Baker McKenzie hy vọng các thương vụ M&A xuyên biên giới sẽ trở thành dấu ấn chủ đạo cho hoạt động này ở Việt Nam trong những năm tới, khi các yếu tố cơ bản vững chắc của tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ở nước ngoài.

Ông Seck Yee Chung, người đứng đầu mảng M&A của Baker McKenzie tại Việt Nam, cho biết hoạt động M&A tại đây vẫn khá sôi động, nhờ các yếu tố thị trường tích cực và lòng tin của doanh nghiệp giúp tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, bên cạnh các thỏa thuận đa phương tiếp tục thúc đẩy Chính phủ cải cách các quy định.

Báo cáo xác định Việt Nam, Thái Lan và Indonesia là những quốc gia châu Á chứng kiến hoạt động thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ trong năm 2019. Thỏa thuận xuyên biên giới lớn nhất trong năm nay là hợp đồng đầu tư trị giá 1 tỷ USD của SK Group thuộc Hàn Quốc và Vingroup.

Tiếp theo đó là thương vụ Ngân hàng Hana Bank mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với giá 850 triệu USD.

Song báo cáo cũng cho rằng mặc dù tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể sẽ ghi nhận sự suy giảm trong hoạt động M&A.

Baker McKenzie dự báo tổng giá trị các giao dịch sẽ giảm từ 2,6 tỷ USD trong năm 2019 xuống còn 1,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức giảm 35%.

Trong tương lai, báo cáo nhận định hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi sau năm 2020 và đạt 3,4 tỷ USD vào năm 2022, vì Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Baker McKenzie dự báo hoạt động M&A tại đây sẽ giảm 18% từ 634 tỷ USD năm 2019 xuống còn 529 tỷ USD vào năm 2020. Còn hoạt động IPO có thể sẽ tiếp tục xu hướng “hạ nhiệt” ngay trong năm nay với tổng giá trị ước tính là 36 tỷ USD, giảm tới 43% so với năm 2018. Con số này nhiểu khả năng sẽ giảm sâu hơn nữa xuống còn 33 tỷ USD vào năm 2020.

Hoạt động suy yếu của khu vực này trong năm 2019 có thể được cho là do nhà đầu tư Trung Quốc giảm bớt các khoản đầu tư ra nước ngoài bởi hạn chế đầu tư ra nước ngoài của chính phủ.

Ở quy mô rộng lớn hơn, xu hướng trên có thể quay sang làm chậm đà tăng trưởng kinh tế trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều