TP.Biên Hòa hiện có 30 đơn vị hành chính gồm 23 phường và 7 xã, trong đó có 5 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm: Hiệp Hòa, Tân Hạnh, An Hòa, Tam Phước, Phước Tân. TP.Biên Hòa đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2018.
TP.Biên Hòa hiện có 30 đơn vị hành chính gồm 23 phường và 7 xã, trong đó có 5 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm: Hiệp Hòa, Tân Hạnh, An Hòa, Tam Phước, Phước Tân. TP.Biên Hòa đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2018.
Một trang trại trồng hoa lan cho thu nhập cao tại xã Hiệp Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Biên Hòa đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao để làm ra sản phẩm an toàn, giá trị lớn. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 56,5 triệu đồng/người vào năm 2018, tăng gần gấp đôi so với năm 2011.
* Phát triển nông nghiệp đô thị
Đất nông nghiệp của TP.Biên Hòa vừa chiếm tỉ trọng thấp (khoảng 30% diện tích đất thành phố), vừa đang ngày càng thu hẹp lại theo xu hướng chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp nên khó hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn.
Chia sẻ những khó khăn của việc phát triển sản xuất nông nghiệp ngay tại trung tâm đô thị lớn, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh) nhận xét, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều thành viên trong hợp tác xã đã chuyển đổi sang các lĩnh vực kinh doanh khác. “Từ nuôi cá lóc, cá rô, hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất con giống và nuôi cá thịt giống đặc sản cá chép giòn hiện đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ sản phẩm bán được với giá cao, thị trường tiêu thụ cũng không ngừng được mở rộng nên dù diện tích ao nuôi ít hơn trước nhưng các xã viên vẫn đạt thu nhập ổn định” - ông Vĩnh nói.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết: “Do đặc thù diện tích đất nông nghiệp ít nên ngay từ những ngày đầu xây dựng NTM, thành phố đã tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, sản xuất rau an toàn, rau thủy canh, hoa kiểng, nuôi thủy sản, nuôi lươn không bùn...thu hút nông dân đầu tư”.
Trong lĩnh vực trồng trọt, TP.Biên Hòa đang lập các dự án xây dựng các vùng sản xuất rau truyền thống Tân Mai, Trảng Dài, Tân Phong, Hố Nai sang các vùng chuyên canh rau sạch. Trong đó, khuyến khích nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau mầm, trồng rau trong nhà kính...
Bà Hồ Thị Xuân Thi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên trồng rau sạch Xuân Anh (phường Tân Phong) so sánh: “Chỉ cần vài trăm mét vuông, cơ sở đã có thể sản xuất đủ nguồn rau mầm sạch cung cấp đi chợ đầu mối, vào siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất thêm dòng sản phẩm giá sạch cung cấp vào hệ thống các quán ăn, nhà hàng tại các khu đô thị lớn”.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ chấm dứt chăn nuôi trên địa bàn thành phố nên về chăn nuôi, Biên Hòa chủ yếu phát triển nuôi thủy sản với diện tích khoảng 88 hécta. Năm 2018, nuôi trồng thủy sản của thành phố thu trên 3,9 ngàn tấn, giá trị sản xuất đạt gần 300 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ nông dân đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất con giống và nuôi các giống đặc sản cho thu nhập cao.
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (xã Hiệp Hòa) chia sẻ: “Từ nuôi các loại cá nước ngọt thông thường, vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi cá bè đã chuyển đổi sang nuôi các loại cá đặc sản như: cá chép giòn, cá hô, quế, trắm đen... TP.Biên Hòa đã đưa vào khai thác tour du lịch đường sông mà vùng nuôi cá bè chính là điểm đến hấp dẫn khách đến tham quan quy trình nuôi cá sạch trên sông, thưởng thức các loại cá đặc sản chế biến tại chỗ cũng như mua về làm quà biếu”.
* Nông thôn hiện đại
Trong xây dựng NTM, Biên Hòa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đầu tư hạ tầng chưa kịp với tốc độ phát triển đô thị; trong việc đảm bảo các tiêu chí về giữ gìn môi trường nông thôn đạt tiêu chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp; về an ninh trật tự...
Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa: “Thành phố luôn xác định cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là phải giúp người dân nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Qua đó, đạt mục tiêu xây dựng một nông thôn hiện đại có đời sống vật chất, tinh thần cao; thúc đẩy cho công nghiệp và đô thị phát triển theo hướng bền vững, mang lại sự hài hòa trong đời sống và lao động của người dân thành phố”.
Chính vì vậy, Biên Hòa đã huy động tốt được các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng dân cư và từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đóng góp cho NTM. Cụ thể, giai đoạn 2011-2018, tổng nguồn vốn đầu tư cho NTM của thành phố đạt gần 10,5 ngàn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nguồn vốn từ xã hội hóa chiếm gần 94%, nguồn vốn từ ngân sách chỉ chiếm trên 6%.
Nguồn lực này được tập trung phát triển hạ tầng của thành phố. Theo đó, thành phố không chỉ hoàn thành tốt các tiêu chí đầu tư về điện, đường, trường học, y tế... mà việc xây dựng và phát triển văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân cũng được chú trọng. Theo đó, các trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng tại nhiều xã đã tổ chức đa dạng các hoạt động như: câu lạc bộ võ thuật karatedo, taekwondo, võ cổ truyền, các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh người cao tuổi, đờn ca tài tử... thu hút đông đảo người dân đến tham gia vui chơi, sinh hoạt.
Hiện trên địa bàn 5 xã xây dựng NTM có 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp với 78 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 60 ngàn lao động, thu nhập bình quân 57,2 triệu đồng/người/năm lao động. Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn 5 xã năm 2018 đạt trên 5,3 ngàn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2011. Đón nhận danh hiệu NTM lần này trùng với việc 6 xã của TP.Biên Hòa chính thức được nâng cấp thành phường, do đó, Biên Hòa chỉ còn 1 đơn vị hành chính cấp xã và hướng đi trong những năm sắp tới sẽ có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. |
Bình Nguyên