Ngày 26-6-2019, UBND tỉnh chính thức công bố nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nghề truyền thống. Gốm Biên Hòa xuất hiện từ thế kỷ 17 tại cù lao Phố - xã Hiệp Hòa. Cuối thế kỷ 19, nhiều lò gốm được hình thành.
Ngày 26-6-2019, UBND tỉnh chính thức công bố nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nghề truyền thống. Gốm Biên Hòa xuất hiện từ thế kỷ 17 tại cù lao Phố - xã Hiệp Hòa. Cuối thế kỷ 19, nhiều lò gốm được hình thành.
Sản xuất tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) |
Nơi đầu tiên hình thành các lò gốm tại Biên Hòa là phường Tân Vạn ngày nay với những lò gốm nổi danh như: lò Cũ, lò Năm Lủng, lò Bà Thơ, lò Lâm Trường Phong, lò Quảng Hưng Long và lò Quảng Thuận Nguyên... Theo tư liệu của dòng họ Trương tại Tân Vạn thì lò gốm đầu tiên do ông tổ Trương Tú Nhơn khởi công xây dựng vào năm 1878.
Đầu thế kỷ 20, năm 1903, Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa được người Pháp thành lập (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Trường này đã đào tạo ra những thế hệ nghệ nhân gốm nổi tiếng như: ông Phạm Văn Đa, ông Lê Bá Đáng, ông Đặng Cẩm Hồng, ông Mười Trí, Ba Nam... góp phần tạo ra những sản phẩm gốm mang bản sắc văn hóa địa phương không nhầm lẫn với các dòng gốm nổi tiếng khác trong nước. Gốm Biên Hòa là sự kết hợp, giao thoa của dòng gốm Việt - Chăm - Hoa trên đất Biên Hòa xưa với kỹ thuật chế tác công nghệ gốm của Pháp.
Theo sự thăng trầm của thời gian, gốm Biên Hòa trải qua những thời hoàng kim được thế giới biết đến với 2 dòng gốm nổi tiếng là gốm đan và gốm trang trí. Vào những năm 2000, gốm Biên Hòa từng xuất khẩu vào hơn 30 nước trên thế giới. Trong đó, có những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Nếu năm 1995, doanh thu từ gốm khoảng 13,5 tỷ đồng thì đến năm 2000 tăng lên 93,1 tỷ đồng và năm 2006 là 302 tỷ đồng.
Để bảo tồn và phát triển nghề gốm Biên Hòa, UBND tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh tại xã Tân Hạnh để các cơ sở gốm tại Biên Hòa di dời vào, thuận lợi hơn cho việc sản xuất - kinh doanh và quảng bá gốm Biên Hòa.
Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho rằng: “Gốm Biên Hòa là sản phẩm truyền thống của địa phương được đúc kết, sáng tạo qua nhiều đời nên được công nhận là nghề truyền thống sẽ có những đầu tư đúng tầm để bảo tồn và phát triển”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, sau khi Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đi vào hoạt động ổn định thì ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu thì cũng nên kết nối làm du lịch để quảng bá gốm Biên Hòa rộng và xa hơn nữa.
Khánh Minh