Là vùng đất lửa trong kháng chiến và bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp, nhưng Xuân Lộc đã bứt phá trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2014.
Xuân Lộc là vùng đất lửa trong kháng chiến nên huyện bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp. Thế nhưng, Xuân Lộc đã bứt phá trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2014.
Dây chuyền xử lý trứng gà tự động, hiện đại tại Trang trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Qua gần 10 năm thực hiện xây dựng NTM (2010-2019), Xuân Lộc vẫn giữ vững là ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM và hậu NTM. Xuân Lộc cũng là một trong 4 huyện được chọn xây dựng mô hình điểm về huyện NTM kiểu mẫu của cả nước theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025.
* Bứt phá ấn tượng
Tại lễ công bố và đón nhận danh hiệu Huyện NTM vào năm 2015 của huyện Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã tuyên dương những thành tích huyện Xuân Lộc đạt được khi bắt tay vào xây dựng NTM chỉ với sức lao động của người nông dân trên đất đai của họ chứ không có thế mạnh nào khác.
“Đồng Nai đã chọn huyện Xuân Lộc làm điểm xây dựng NTM với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất và lao động; lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”. Trong đó, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khâu đột phá” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết.
Đây cũng là những mục tiêu huyện Xuân Lộc luôn đặt lên hàng đầu trong xây dựng NTM. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện đã hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn hécta; hồ tiêu 2,2 ngàn hécta; 1,4 ngàn hécta chôm chôm; 500 hécta thanh long ruột đỏ...Toàn huyện có trên 7 ngàn hécta đất canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính.
Đồ họa thể hiện mức thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất, thu hoạch bình quân trên 1 hécta diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Xuân Lộc trong giai đoạn 2010-2018. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân |
Nhớ lại những tháng ngày lập nghiệp gian khó, ông Lại Hồng Chí, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi (xã Xuân Bắc) so sánh: “Đồi Sabi xưa là vùng đất “chết” vì ngay cả những cây dễ tính nhất như: cây mì, cây điều... cũng không cho thu hoạch. Với đôi tay lao động không ngại khó, ngại khổ, lớp nông dân đầu tiên về đây đã thành công khi bắt mảnh đất cằn sinh sôi những mùa trái ngọt. Nay vùng đồi này không còn một tấc đất bị bỏ hoang mà được phủ xanh bởi cây ăn trái như: quýt, bưởi, xoài... với danh sách những triệu phú, tỷ phú nông dân không ngừng được nối dài”.
Giai đoạn 2010-2018, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản của huyện Xuân Lộc đạt 4-5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,69% năm 2008 xuống còn 0,85% vào năm 2018. |
Bà Dương Thị Phương Thoa, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Bắc nhận xét, đây là xã thuần nông với 4/12 ấp đặc biệt khó khăn vì đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước sản xuất nên chỉ trồng được những cây cho thu nhập thấp. Nhưng cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sản xuất khi xây dựng NTM, những vùng đất bỏ hoang như đồi Sabi đã thành vùng chuyên canh cho thu nhập cao. Các hợp tác xã được thành lập liên kết với nông dân sản xuất sạch với đầu ra ổn định.
Gợi ý về thế mạnh của Xuân Lộc trong xây dựng NTM kiểu mẫu, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói: “Điểm nổi bật nhất của Xuân Lộc là đã thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương”.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện trong gần 10 năm xây dựng NTM không ngừng tăng lên một cách ấn tượng từ mức 19 triệu đồng/người vào năm 2010, lên gần gấp 2 lần vào năm 2014 và gần gấp 3 lần vào năm 2018 với mức gần 54,9 triệu đồng/người/năm.
* Huyện NTM kiểu mẫu
Xuân Lộc cũng đang tập trung mọi nguồn lực triển khai đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025.
Trồng rau quả công nghệ cao trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang Trại Việt tại xã Xuân Phú |
Tuy nhiên, do đạt chuẩn NTM vào năm 2014 nên một số xã không giữ vững được một số tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới của Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Bộ tiêu chí NTM nâng cao và tiêu chí NTM kiểu mẫu có những yêu cầu khá cao so với thực trạng chung của địa phương. Theo đó, Xuân Lộc vừa xây dựng hậu NTM vừa phải rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện NTM của các xã.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết: “Sau khi đạt các tiêu chí NTM, Xuân Lộc đã xây dựng ngay bộ tiêu chí NTM nâng cao. Nhưng địa phương không nóng vội, chạy theo thành tích trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu”.
Về làm việc tại Xuân Lộc, Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến đánh giá: “Xuân Lộc được chọn xây dựng mô hình điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước, lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm. Địa phương đã bám sát theo nội dung đề án để đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể về tăng thu nhập người dân, tăng giá trị sản xuất; phấn đấu đưa tất cả các mặt hàng nông sản vào chuỗi liên kết, có doanh nghiệp là đầu tàu, phát triển hợp tác xã để tập hợp nông dân...”.
Chính vì vậy, Xuân Lộc vẫn giữ vững thành tích xây dựng hậu NTM. Tính đến cuối năm 2018, Xuân Lộc có 6/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2019, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu có 8/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra; Xuân Định cũng về đích xã NTM kiểu mẫu.
Trong gần 10 năm xây dựng NTM, huyện Xuân Lộc đã huy động được tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên 23 ngàn tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách chiếm hơn 11%, nguồn vốn xã hội hóa chiếm gần 90%. Theo đó, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, huyện có 91,3% trường đạt chuẩn quốc gia, cao nhất so với các huyện trong tỉnh. Toàn huyện cũng đã thực hiện 1.179 công trình xã hội hóa về giao thông, điện với tổng mức đầu tư gần 798 tỷ đồng. |
Bình Nguyên