Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng hoa cải tạo đất cằn

10:12, 09/12/2018

Vườn cây ăn trái rộng gần 2 hécta ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) trồng các loại trái cây đặc sản như: thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh xen canh cây mãng cầu... của ông Đoàn Công Lý gây ấn tượng với mọi người vì sự tốt tươi của cả cây trồng và những thảm cỏ xanh, hoa vàng.

Vườn cây ăn trái rộng gần 2 hécta ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) trồng các loại trái cây đặc sản như: thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh xen canh cây mãng cầu... của ông Đoàn Công Lý gây ấn tượng với mọi người vì sự tốt tươi của cả cây trồng và những thảm cỏ xanh, hoa vàng.

Vườn thanh long của ông Đoàn Công Lý luôn dịu mát trong mùa khô nắng cháy nhờ thảm cỏ xanh mát phủ kín vườn.
Vườn thanh long của ông Đoàn Công Lý luôn dịu mát trong mùa khô nắng cháy nhờ thảm cỏ xanh mát phủ kín vườn.

Những bờ hoa trải dài khắp vườn trái cây đặc sản ấy không chỉ góp phần tạo môi trường xanh, sạch mà còn giúp mảnh đất cằn này dần trở nên màu mỡ.

* Trồng đặc sản trên đất cằn

Ông Lý kể: “Đây là vùng đất đồi đầy sỏi, đất đai cằn cỗi nên mấy chục năm trước, tôi chỉ trồng được những giống cây chịu được khô cằn như: điều, tràm, mía. Vì là đất đồi khô hạn, tôi từng đào 5-7 cái giếng cũng không đủ nước tưới nên phải cho khoan giếng rất sâu để có đủ nguồn nước khi chuyển sang trồng các loại cây đặc sản khó tính như: sầu riêng, thanh long, bưởi”.

Qua trồng thử nghiệm rất nhiều giống cây ăn trái, ông Lý quyết định chọn thanh long ruột đỏ làm cây trồng chủ lực ở vườn nhà. Theo ông Lý, vì thanh long ưa nắng nóng, sinh trưởng tốt ở vùng có khí hậu bán sa mạc nên cây trồng này sinh trưởng rất tốt, cho chất lượng trái ngon khi trồng trên vùng đất đồi sỏi đá này. Bên cạnh đó, đây là cây trồng cho trái quanh năm, dù gặp cảnh thất mùa, mất giá một vài vụ cũng không lo thua trắng như những cây ăn trái chỉ cho thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm. 

Từ nhiều năm trước, cùng với việc xuống giống các loại cây ăn trái đặc sản, ông Lý bỏ công phủ kín diện tích đất trống trong vườn bằng giống cỏ đậu phộng. Theo đó, mùa mưa vùng đất đồi này bị xói mòn nặng, mùa nắng thì lớp đá sỏi nóng như rang. Nhiều nông dân trồng cây cỏ đậu phộng tạo được tiểu khí hậu xanh mát cho vườn cây, chống xói mòn và cải tạo đất bạc màu rất hiệu quả nên ông cho trồng giống cỏ này phủ kín khắp vườn.  

* Giữ môi trường xanh, sạch

Ông Lý chia sẻ: “Trồng cây nào, tôi cũng tham gia những lớp tập huấn sản xuất an toàn do trạm bảo vệ thực vật của địa phương tổ chức để biết cách sử dụng phân, thuốc sao cho hiệu quả mà vẫn bảo vệ được sức khỏe bản thân và người tiêu dùng”.

Cũng chính vì luôn xem trọng tạo môi trường xanh, sạch cho nơi sản xuất, ông Lý luôn chú trọng những giải pháp không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh, dịch cho cây trồng. Ông Lý chia sẻ: “Tôi cho lắp hệ thống tưới tự động phun nước đều, ngang tầm trụ thanh long để rửa sạch nguồn mật do hoa, cành non tiết ra để tránh nấm bồ hóng lây lan. Khi xuất hiện nấm tắc kè, loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây thanh long, vợ chồng tôi tỉ mỉ cắt bỏ từng đốm nấm vừa xuất hiện để phòng bệnh từ gốc chứ không chờ dịch bùng phát mới sử dụng đủ loại thuốc hóa học”.

Theo ông Lý, vườn cỏ đậu phộng với thảm hoa vàng cũng giúp thu hút được nhiều loại côn trùng tốt. Đây là nguồn thiên địch vừa hạn chế sâu bệnh phát triển, vừa góp phần ngăn chặn sự lây lan, phát tán của những loại nấm có hại cho vườn cây. Thảm cỏ xanh, hoa vàng này còn mang lại chút nhẹ nhàng, thảnh thơi cho người lao động trên đồng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều