Báo Đồng Nai điện tử
En

Nở rộ cửa hàng trái cây nhập khẩu

10:04, 21/04/2017

Ở TP.Biên Hòa bắt đầu xuất hiện những cửa hàng cung cấp các loại trái cây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan…

Ở TP.Biên Hòa bắt đầu xuất hiện những cửa hàng cung cấp các loại trái cây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan…

Một khách hàng lựa trái cây nhập khẩu tại cửa hàng trái cây nhập khẩu Fresta Biên Hòa (đường Đồng Khởi. TP.Biên Hòa).
Một khách hàng lựa trái cây nhập khẩu tại cửa hàng trái cây nhập khẩu Fresta Biên Hòa (đường Đồng Khởi. TP.Biên Hòa).

So với trái cây trong nước, trái cây nhập khẩu đắt hơn rất nhiều, song người tiêu dùng vẫn chuộng bởi suy nghĩ trái cây nhập ngon và an toàn hơn. Đây là một xu hướng len lỏi trong cộng đồng những người tiêu dùng đô thị và ngày càng phổ biến.

* Tiền triệu mua trái cây

Ngoài trái cây nhập khẩu, một số cửa hàng còn nhập về các loại hạt dinh dưỡng có xuất xứ từ Mỹ, Úc, như: hạnh nhân, hồ đào, óc chó, hạt dẻ Úc, hạt thông, hạt mắc ca,... Giá cả dao động từ 135-350 ngàn đồng/gói tùy loại hạt.

Trái cây nhập khẩu có giá cao gấp nhiều lần so với trái cây cùng loại trong nước. Các loại trái cây phổ biến, như: táo gala Mỹ, gala New Zealand giá từ 60-70 ngàn đồng/kg, quýt Úc 220 ngàn đồng/kg; táo envy Mỹ, Nhật giá 180-250 ngàn đồng/kg, lê Hàn Quốc khoảng 100 ngàn đồng/kg, mãng cầu Đài Loan khoảng 380 ngàn đồng/kg, dưa lưới Nhật Bản 270 ngàn đồng/kg, cam Ai Cập giá 80 ngàn đồng/kg, dâu Hàn Quốc khoảng 250 ngàn đồng/hộp 330g, chà là Ai Cập tươi 550 ngàn đồng/kg, nho ngón tay 300 ngàn đồng/kg... Mặc dù giá không rẻ, song nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu vẫn “ăn nên làm ra” do nhu cầu tăng mạnh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu Fresta (có trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Người tiêu dùng ngày càng hướng đến các loại trái cây chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng từ những nước có ngành nông nghiệp tiêu chuẩn cao. Hơn nữa, sử dụng trái cây nhập khẩu cũng là cách để thay đổi khẩu vị cho cả gia đình và dùng thử các sản phẩm mới mà tại Việt Nam không trồng được. Hàng nhập về có tờ khai và kiểm định theo lô hàng”.

Tương tự, chị Tạ Thị Hoài Nghi, chủ cửa hàng trái cây, hạt dinh dưỡng nhập khẩu BuBu Fresh (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa), cho biết nhiều người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập khá thường hướng tới những loại trái cây có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm sạch nên chọn mua những loại trái cây nhập khẩu. “Bản thân tôi cũng là một người mẹ nên tôi thường xuyên tìm hiểu và sử dụng các loại trái cây, hạt dinh dưỡng nhập khẩu. Từ đó, tôi nảy ra ý định mở cửa hàng về các sản phẩm này với tiêu chí đảm bảo rõ nguồn gốc, các chứng từ hải quan và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm không bị trộn lẫn các loại hàng dạt, hàng kém chất lượng” - chị Nghi nói.

* Bảo quản trong kho lạnh

Điều kiện bảo quản các loại sản phẩm này cần có kho lạnh riêng, nhiệt độ luôn giữ ở mức dưới 50C để trái cây tươi lâu, đảm bảo chất lượng.

Theo anh Lê Quốc Trung, Cửa hàng trưởng Cửa hàng trái cây nhập khẩu Fresta Biên Hòa (đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa), quá trình vận chuyển, bảo quản các loại trái cây này phải được tiến hành khép kín, tránh làm giập, va chạm. Thông thường, trái cây từ nơi phân phối ở TP.Hồ Chí Minh sẽ được vận chuyển bằng ô tô về TP.Biên Hòa. Khi tới cửa hàng, trái cây được đưa ngay vào kho lạnh để đảm bảo chất lượng. Dâu, cherry, nho… là những loại trái cây dễ bị giập nên thường gặp khó khăn nhiều hơn khi bảo quản.

Chị Nghi cho biết nhiệt độ bảo quản từ 0-20C là tốt nhất. Thông thường dâu, nho chỉ giữ trong 2 ngày, trong khi cam, táo sau 5 ngày sẽ không còn tươi ngon. Các loại trái cây, như: nho, dâu, cherry... thường được vận chuyển sang Việt Nam bằng đường hàng không để đảm bảo độ tươi, tránh va đập...

Một chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) cho hay, hầu hết các loại trái cây nhập khẩu ở đây đều được lấy hàng từ TP.Hồ Chí Minh.

“Để lựa chọn được những trái cây nhập khẩu tươi ngon, người tiêu dùng cần lưu ý về mùa trái cây ở các nước, bởi mỗi loại trái cây ở mỗi nước đều có mùa vụ riêng. Việc tìm hiểu này giúp người tiêu dùng mua được hàng đúng nguồn gốc, đúng mùa vụ. Người tiêu dùng cũng nên tìm đến các cửa hàng uy tín để được tư vấn chọn lựa các loại trái cây ngon, đảm bảo đúng chất lượng” - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Trái cây nhập theo mùa vụ ở nước sở tại. Ví dụ, chính vụ lê Hàn Quốc thường rơi vào tháng 5, tới khoảng tháng 10 là kết thúc; cherry Mỹ vào vụ từ tháng 5 đến tháng 7; cherry New Zealand cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Đây là loại trái cây được khá nhiều người ưa chuộng, mua làm quà biếu vì chính vụ thường rơi dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam...

Hải Quân

Tin xem nhiều