TS.Lê Thẩm Dương được đông đảo doanh nghiệp (DN), sinh viên trong nước biết đến vì những bài giảng về khởi nghiệp, điều hành, quản trị DN luôn chứa đựng những kiến thức chắt lọc tinh hoa. Ông còn tư vấn cho không ít DN vượt qua sóng gió phát triển vững vàng.
TS.Lê Thẩm Dương được đông đảo doanh nghiệp (DN), sinh viên trong nước biết đến vì những bài giảng về khởi nghiệp, điều hành, quản trị DN luôn chứa đựng những kiến thức chắt lọc tinh hoa. Ông còn tư vấn cho không ít DN vượt qua sóng gió phát triển vững vàng.
Trải qua nhiều cương vị khác nhau, như: Trưởng khoa Quản trị - DN Trường đại học ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, cố vấn chương trình Chìa khóa thành công CEO, thành viên tổ viết bài cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chuyên gia tư vấn cho nhiều DN, tập đoàn lớn... Ở mỗi cương vị, ông đều làm tốt vai trò của mình. Đồng Nai là nơi ông có nhiều gắn bó với các DN từ khi khởi nghiệp cho đến quá trình hoạt động.
* KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ
Gần đây khởi nghiệp hay được nhắc đến, nhưng hiểu và làm được để thành công thì chưa nhiều. Ông đánh giá thế nào về phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam?
- Khoảng 2-3 năm lại đây hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước rất quan tâm đến phong trào khởi nghiệp, nhưng hiều rõ khởi nghiệp như thế nào để thành công thì lại chưa nhiều. Nguyên nhân chính là nhiều người chưa thực sự hiểu rõ khởi nghiệp là gì. Sau khi khởi nghiệp lại không chịu học tập để điều hành quản trị DN hiệu quả. Tôi đã chứng kiến nhiều DN sau khi khởi nghiệp thành công chỉ sau vài năm đã phá sản, giải thể vì không thể duy trì phát triển tiếp. Vì thế, khởi nghiệp thành công chỉ là bước đi đầu của DN, còn muốn giữ được DN phát triển bền vững thì chủ DN phải có những tư duy đột phá. Có thể nói, không có gì là không làm được nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Ông có thể nói rõ hơn là cần làm gì để khởi nghiệp thành công?
- Muốn khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp phải sáng tạo và có sự khác biệt. Tôi xin nhấn mạnh, DN muốn thành công phải trải qua nhiều bước, song bước đầu tiên là khởi nghiệp. Nếu hiểu được khởi nghiệp thì việc thành công rất nhanh nhưng để tồn tại, phát triển mới khó khăn và đòi hỏi thời gian lâu dài. Thực ra, ở một số nước trên thế giới người ta dạy cho học sinh tinh thần khởi nghiệp từ lớp 6. Trước hết, học sinh được dạy tinh thần: tôi làm chủ tôi, tôi khởi tôi, không phải học ra để xin việc, làm chủ bản thân, tinh thần không lệ thuộc, nghĩ theo cách của mình chứ không phải nghĩ theo người khác. Quá trình này được đào tạo trong 6-7 năm, sau khi có tinh thần “khởi” mới dạy tiếp kỹ năng khởi nghiệp. Trong kỹ năng khởi nghiệp sẽ tách ra chữ “khởi” là DN tạo ra sản phẩm mới có giá trị cho xã hội mang đặc trưng riêng không có số liệu lịch sử, không có bản cân đối quá khứ. Khi kết thúc “khởi” bắt đầu đến “nghiệp”. “Nghiệp” là nghề theo mình suốt ngày, trong nghiệp chứa nghề và trong nghề chứa công việc. Khi chuẩn bị xong tinh thần, khái niệm, kỹ năng có xuống tay sẽ rất ít khi thất bại.
Vì sao ông thường nhấn mạnh DN khởi nghiệp thành công mới là bước đầu, còn duy trì phát triển mới là khó khăn nhất?
- Bởi vì khởi nghiệp thành công mới chỉ là bước đầu, tiếp theo các DN phải thành danh xây dựng được thương hiệu. DN không muốn khai tử sớm và tồn tại lâu dài luôn nắm rõ 3 yếu tố chính là: cải thiện thay đổi liên tục, tái cấu trúc (thay đổi có giai đoạn) và tái lập (thay đổi hoàn toàn). Đây là chu trình các DN muốn phát triển bền vững phải làm liên tục. Bên cạnh đó, DN đặt ra mục tiêu luôn có sản phẩm mới, thị trường mới, khách hàng mới và đủ sức cung ứng, đồng thời chú ý thật kỹ đến chăm sóc khách hàng và không được để thủng thị trường nào. Trong quá trình phát triển nếu DN chỉ chú ý đến lãi - lỗ rất khó tồn tại. Để ổn định và lớn mạnh, DN có thể giảm lợi nhuận chăm sóc khách hàng, mở thị trường mới, tái cấu trúc đầu tư vào công nghệ. Sau đó mới tăng tốc trong sản xuất, lúc này lợi nhuận thu về mới cao hơn.
* DOANH NGHIỆP CHỈ CÓ 4 LOẠI
Trong các chương trình giảng dạy, ông thường khẳng định DN chỉ chia thành 4 loại và phần lớn DN Việt Nam rơi vào loại 1. Vậy 4 loại DN đó như thế nào?
- Từ nghiên cứu, tôi rút ra được là DN chỉ phân làm 4 loại. Trong đó, loại 1 có lợi nhuận cao nhưng yếu tố phi tài chính (đầu tư các hạng mục mang lại lợi ích lâu dài) đang giảm vì đang “bóc” những cái đang có, không cải tiến công nghệ, nội bộ. Theo đó, lợi nhuận của DN chỉ tăng trong 3 năm rồi sẽ giảm dần. Loại 2 là giảm lợi nhuận để tăng phi tài chính. Những DN này có kế hoạch dài hạn và chỉ giảm lãi tạm thời để củng cố phi tài chính nhằm có bước tăng trưởng cao hơn, công ty dạng này sẽ trường tồn. Loại 3 là DN có lợi nhuận tăng, phi tài chính tăng, đây là những công ty lớn mạnh và rất ít DN làm được. Loại 4 là DN có lợi nhuận giảm, phí tài chính giảm, đây là những công ty sắp phá sản. Tại Việt Nam, số đông DN rơi vào loại 1 nên tôi có lời khuyên hãy giảm bớt lợi nhuận để đầu tư vào phi tài chính.
Ông đánh giá ra sao khi Việt Nam có hơn 30 năm đổi mới, nhưng vài năm trở lại đây Chính phủ mới chú ý và phát động phong trào khởi nghiệp?
- Vấn đề lịch sử trên lý giải không khó. Ở Việt Nam, cái khó nhất trong khởi nghiệp hiện nay là tinh thần chứ không phải kỹ năng. Bởi đã thành nếp, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường chỉ nghĩ đến cầm đơn đi xin việc, có được một công việc với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng là an phận và sẵn sàng chấp nhận làm và suy nghĩ theo ý tưởng của người khác. Những điều này phải loại ngay vì có não mà lại làm theo não người khác, đó không phải là tinh thần khởi nghiệp. Khi có tinh thần khởi nghiệp phải có kỹ năng khởi nghiệp, với kỹ năng chỉ cần chịu khó học sẽ có. Sở dĩ 91% DN của Việt Nam thành lập xong rồi bị chết là do thiếu kỹ năng về khởi nghiệp. Ở nước ngoài, người ta đã có rất nhiều bài học về vấn đề này và chúng ta có thể học, tránh tự mày mò sẽ mất thời gian quá dài.
Đồng Nai có hơn 20 ngàn DN, trong đó DN nước ngoài chỉ 1,2 ngàn song kim ngạch xuất khẩu lại chiếm hơn 80%. Việc này có phải DN trong nước đang ngày càng yếu thế?
- Đây là luật cạnh tranh không thể nào khác được. Vì vậy, chúng ta chỉ còn cách nâng năng lực cạnh tranh lên dần dần. Nhiều ý kiến cho rằng DN Việt Nam ngày càng khó tồn tại và phát triển, trong khi DN nước ngoài ngày càng lớn mạnh và lấn sân. Tôi thì lại nhìn vấn đề này lạc quan hơn, đây là tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển việc này sẽ giúp cho DN trong nước muốn tồn tại phải tự vươn lên. Trước đây, khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu, nhiều luồng ý kiến cho rằng chúng ta sẽ thua vì chưa có chuẩn bị kỹ đã vội vã tham gia hội nhập, nhưng kết quả là Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Như vậy tôi nghĩ trong cuộc cạnh tranh này sẽ giúp cho DN trong nước vươn lên lớn mạnh dần và sẽ không xảy ra việc DN sẽ chết dần. Với Đồng Nai, nghĩ cũng sẽ ở trong guồng quay này. Các DN trong nước phá sản sẽ là bài học kinh nghiệm cho những DN khác muốn tồn tại sẽ tự tìm hướng riêng để đi.
Hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng một bên lại cho rằng thu hút nhiều nhưng không nhận được chuyển giao kỹ thuật, khi Việt Nam không còn hấp dẫn họ rút đi, chúng ta sẽ trắng tay?
- Điều này phải có kiến thức vĩ mô và tôi ít lệ thuộc vào những suy nghĩ đánh giá của người khác. Tôi nghĩ không có đầu tư thì không có phát triển, cũng như đầu tư công nếu như vì sợ nợ tăng chúng ta không đầu tư tiếp thì đất nước không thể phát triển. Có những người cho rằng nợ công 50-60% quá lớn, nhưng tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều nếu chúng ta dùng vốn vay đó đầu tư hiệu quả. Ví dụ, như Nhật Bản nợ công hơn 200% nhưng vẫn phát triển tốt là vì đầu tư đúng nơi, đúng lúc. Chẳng hạn, như Việt Nam tăng nợ công để làm cầu Cần Thơ, tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế cho khu vực miền Tây là đầu tư đem lại kết quả cao. Tuy nhiên, nếu vay nợ để đầu tư công song đầu tư không đúng mục đích thì còn khó khăn gấp bội. Tôi ví như vậy là để lý giải việc thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều sẽ càng tốt nhưng chúng ta phải có địa chỉ đến cho phù hợp, chú ý đến chất lượng đầu tư và có quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)