Hiện các làng cá bè, nhiều vùng nuôi cá ở Đồng Nai đang dồi dào sản lượng chờ cung cấp ra thị trường cuối năm.
Hiện các làng cá bè, nhiều vùng nuôi cá ở Đồng Nai đang dồi dào sản lượng chờ cung cấp ra thị trường cuối năm. Thông thường, đây là thời điểm mặt hàng này bán được với giá tốt, nhưng vài tháng trở lại đây giá cá liên tục giảm sâu và hiện vẫn ổn định ở mức thấp khiến người nuôi điêu đứng.
Giá cá lóc giảm sâu do ứ hàng (ảnh chụp tại chợ đầu mối Hóa An, TP.Biên Hòa). |
Theo nông dân nuôi cá, hiện giá cá đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến mặt hàng này dội chợ chủ yếu là do cung lớn hơn cầu bởi sản lượng cá ở miền Tây tăng quá lớn.
Giá cá đặc sản giảm sâu
Giá hàng loạt các loại cá đặc sản thường được tiêu thụ mạnh vào thời điểm cuối năm, như: lóc, chép giòn, chép thường, thát lát... hiện đang giảm sâu nhất. Cụ thể, giá cá chép giòn 130 ngàn đồng/kg, cá chép thường 38 ngàn đồng/kg, cá lóc đứng ở mức 26 ngàn đồng/kg, cá thát lát 40 ngàn đồng/kg, giảm từ 15-20 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng kéo theo mặt bằng giá các loại cá khác giảm cả chục ngàn đồng/kg, như: cá diêu hồng 30 ngàn đồng/kg; cá chim, cá trê còn từ 14-15 ngàn đồng/kg...
Ông Vũ Đình Đàm, nông dân nuôi cá tại làng cá bè xã Hiệp Hòa
(TP.Biên Hòa), cho biết: “Năm nay, bè của tôi tập trung nuôi cá chép. Dự kiến cuối năm nay, tôi cung cấp ra thị trường 9 tấn cá chép thường và 6 tấn cá chép giòn. Giá cá chép giảm sâu do nhiều nơi tập trung nuôi giống cá này cung cấp cho thị trường tết. Riêng làng cá bè Hiệp Hòa hiện còn cả ngàn tấn cá các loại cung cấp ra thị trường, trong đó mặt hàng cá chép khá dồi dào”.
Làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán) cũng đang trong tình trạng cá ứ hàng, giá giảm. Ông Trần Văn Mừng, chủ bè cá trên sông La Ngà, lo lắng năm nay làng bè mất tết vì ai cũng trông chờ vụ cá cuối năm. Người nuôi càng khó khăn vì bán giá rẻ cũng khó kêu thương lái. Ông Mừng dẫn chứng: “Tôi có 20 tấn cá lóc cho thu hoạch mà gọi cả tháng thương lái mới đến thu mua, nhưng họ cũng chỉ mua một nửa số lượng vì nguồn hàng quá nhiều, khó tiêu thụ. Không chỉ với mặt hàng cá lóc, nhiều loại cá khác, nông dân cũng phải xếp hàng chờ thương lái thu mua”.
Sản lượng dồi dào, giá khó tăng
Theo một số thương lái, từ nay đến hết năm giá cá khó cải thiện vì sản lượng cá chờ thu hoạch còn rất dồi dào, nhất là nguồn cung từ các tỉnh miền Tây. Ông Hoàng Viết Toàn, Trưởng ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), nhận xét: “Do ảnh hưởng trận lũ năm ngoái, năm nay người nuôi cá chủ động thu hoạch sớm nên hiện sản lượng cá ở vùng này không nhiều. Tuy nhiên, giá cá bán ra tại chợ đầu mối Sông Mây vẫn đứng ở mức thấp do sản lượng cá ở nhiều vùng khác vẫn dồi dào, nhất là đụng chợ với cá miền Tây”. Hiện vùng nuôi cá Sông Mây đang tập trung thả giống cá chép Nhật để cung cấp cho thị trường vào dịp cúng ông Táo. Dự kiến, có khoảng 40 tấn cá chép các loại sẽ cung cấp ra thị trường cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ vựa cá tại chợ đầu mối Hóa An (TP. Biên Hòa), cho hay: “Từ vài tháng trước, cá miền Tây dội chợ kéo giá cá trên thị trường xuống thấp. Tiêu thụ tại các chợ khá ế ẩm”. Hiện các loại cá nước ngọt chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ ít biến động, trong khi đó các vùng miền, nhất là các tỉnh miền Tây, lại tăng diện tích nuôi quá nhiều khiến mặt hàng này dội chợ, rớt giá trong nhiều tháng nay. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, giá cá khó khởi sắc vì cán cân cung - cầu vẫn mất cân đối.
Bình Nguyên