Hiện nay, Đồng Nai có trên 140 lò gạch, tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc. Theo lộ trình, các lò gạch sẽ chấm dứt hoạt động chậm nhất cuối năm 2017. Riêng những lò gây ô nhiễm môi trường có thể bị đóng cửa ngay lập tức.
Hiện nay, Đồng Nai có trên 140 lò gạch, tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc. Theo lộ trình, các lò gạch sẽ chấm dứt hoạt động chậm nhất cuối năm 2017. Riêng những lò gây ô nhiễm môi trường có thể bị đóng cửa ngay lập tức.
Một cơ sở sản xuất gạch tại xã An Hòa (TP. Biên Hòa). |
Sở Xây dựng vừa có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh thời gian đóng cửa các lò gạch nung (lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch) tại các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành và
TP.Biên Hòa chậm nhất là 31-12-2016. Riêng với các huyện Định Quán, Xuân Lộc thì chậm nhất là 31-12-2017. Đồng thời, tỉnh không cấp phép xây dựng mới đối với lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng trên địa bàn tỉnh.
* Lò gạch Gây ô nhiễm môi trường
Phần lớn người dân gần khu vực có lò gạch nung đều bức xúc vì tình trạng gây ô nhiễm khói, bụi và quá trình vận chuyển đất nguyên liệu làm gạch rơi vãi bừa bãi trên đường. Do đó, người dân đều mong tỉnh sớm di dời, đóng cửa những lò gạch nung nằm trong khu dân cư để trả lại môi trường trong sạch.
Theo tờ trình 201 của Sở Xây dựng đề xuất tỉnh phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung thì lò thủ gạch nung thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục đã phải đóng cửa chậm nhất 31-12-2014. Còn lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch đóng cửa chậm nhất 31-12-2015. Lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, TP.Biên Hòa chấm dứt hoạt động cuối năm 2016, huyện Xuân Lộc, Định Quán cuối năm 2017. Riêng lò gạch Tuynen không phải đóng cửa. |
Anh Trịnh Quốc Long ở KP.2, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) nói: “Nhiều năm nay, chúng tôi đều kiến nghị thành phố, tỉnh sớm di dời hoặc đóng cửa các lò gạch ở xã An Hòa. Vì xã An Hòa và phường Long Bình Tân cách nhau một con đường, lò gạch nung bên An Hòa đốt là vài trăm hộ dân KP.2 bên này lãnh đủ. Gần đây, củi tăng giá nên một số lò chuyển qua đốt bằng vải vụn, nhựa, cao su, khói và bụi nhiều hơn trước khiến 2 con nhỏ của tôi thường mắc bệnh đường hô hấp”. Cũng theo anh Long, các lò gạch nung thường đốt vào buổi tối. Khi có gió lớn, khói tạt về nhiều hầu hết các gia đình đều phải đóng chặt cửa vì không chịu nổi khói và mùi hôi.
Ông Trần Hồng Ái, KP.2, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Ngoài phải chịu đựng khói từ các lò gạch nung, người dân còn chịu cảnh ngày mưa, đất từ các lò gạch trôi tràn ra đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan. Nhiều khi mưa lớn đất tràn xuống các mương, ống thoát nước, cản trở dòng chảy gây ngập cục bộ”. Những lò gạch nung ở những vùng khác thuộc các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, nhiều người dân ở các khu vực trên đều bức xúc phản ánh và đề nghị chính quyền sớm xử lý buộc di dời hoặc đóng cửa để bảo vệ môi trường chung.
* Phát hiện sẽ đóng cửa
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 123 lò vòng sử dụng nguyên liệu đốt chủ yếu là phế phẩm nông nghiệp, như: vỏ trấu, vỏ hạt điều, ván lạng, gỗ tạp... một số cơ sở dùng rác thải công nghiệp là vải vụn, nhựa, cao su để đốt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua kiểm tra, các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng hầu hết đều không tuân thủ đầy đủ pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường, không công bố hợp quy sản phẩm.
Một cơ sở sản xuất gạch nung tại xã An Hòa để đất nguyên liệu vương vãi ra quốc lộ 51 gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan . Ảnh: H. Giang |
“Huyện Vĩnh Cửu có 18 lò gạch nung, theo quy định phải đóng cửa chậm nhất cuối năm 2016. Nhưng huyện đang rà soát lại, những lò gạch nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đóng cửa sớm trước thời hạn. Huyện cấm các cơ sở dùng than đá, rác thải công nghiệp đốt” - Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Trần Văn Khoan cho biết. Hiện huyện Vĩnh Cửu đã quy hoạch Cụm công nghiệp Tân An để các lò gạch nung có thể di dời vào đó; thay đổi công nghệ chuyển sang làm gạch không nung để duy trì nghề và bảo vệ môi trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Tỉnh sẽ không cấp phép mới cho các lò gạch nằm trong hoặc gần khu dân cư. Những lò gạch nung gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân trong năm 2015 sẽ đóng cửa. Với các lò cố tình sử dụng rác thải công nghiệp là vải vụn, nhựa, cao su để đốt, nếu phát hiện sẽ buộc ngưng hoạt động và đóng cửa luôn”. Vừa qua, tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các lò gạch nung trên địa bàn để phân loại, thông báo thời gian đóng cửa để các cơ sở biết chuẩn bị từ trước. Những cơ sở năm trong, gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cho người dân xung quanh sẽ đóng cửa trước.
Hương Giang