Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạ tầng cho sản xuất gốm, gỗ: Gốm ế, gỗ đắt hàng

10:12, 07/12/2015

Năm 2002, UBND tỉnh đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp ở 2 đầu TP.Biên Hòa là Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, để di dời các lò gốm ở thành phố vào đây) và Cụm công nghiệp chế biến gỗ Tân Hòa (phường Tân Hòa, để di dời các cơ sở sản xuất đồ gỗ ra khỏi khu vực dân cư ở 2 phường Tân Hòa, Tân Biên, giải quyết vấn đề về môi trường).

Năm 2002, UBND tỉnh đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp ở 2 đầu TP.Biên Hòa là Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, để di dời các lò gốm ở thành phố vào đây) và Cụm công nghiệp chế biến gỗ Tân Hòa (phường Tân Hòa, để di dời các cơ sở sản xuất đồ gỗ ra khỏi khu vực dân cư ở 2 phường Tân Hòa, Tân Biên, giải quyết vấn đề về môi trường). Qua 13 năm, 2 cụm này đang ở tình trạng hoàn toàn trái ngược nhau.

Đường vào khu chế biến gỗ tập trung phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) đi lại khá khó khăn.
Đường vào khu chế biến gỗ tập trung phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) đi lại khá khó khăn.

Cụm công nghiệp chế biến gỗ Tân Hòa tuy đã bị loại ra khỏi danh sách cụm công nghiệp của thành phố, nhưng vẫn được thừa nhận là khu chế biến gỗ tập trung, hiện các doanh nghiệp (DN) đã đến đầu tư kín đất. Trong khi đó, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh vẫn đìu hiu.

* Hạ tầng chờ doanh nghiệp

Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khá lâu, nhưng đến nay mới thu hút 1 DN, hiện đang xây dựng nhà xưởng sản xuất. Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến các DN chậm đầu tư nhà xưởng tại đây là do gặp khó khăn về tài chính. Cùng với đó, đầu ra của các sản phẩm gốm trắng suốt một thời gian dài gặp rất khó khăn, các cơ sở, DN phải thu hẹp sản xuất.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết hiện các DN đang làm thủ tục để xây dựng xưởng thực hiện việc di dời. Đại diện UBND TP.Biên Hòa cho hay, về kết quả bàn giao hồ sơ kỹ thuật thửa đất, hiện có 29/35 đơn vị có nhu cầu vào cụm công nghiệp này đã được thành phố bàn giao hồ sơ. Đã có 28/29 đơn vị nộp hồ sơ xin thuê đất, đến đầu tháng 11 vừa qua có 26 đơn vị đã ký hợp đồng thuê đất. Về xin cấp phép xây dựng mới có 4 DN, trong đó 3 DN đã được cấp phép là DNTN Trí Tâm Đức, Chi nhánh Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hoàn Mỹ và DNTN Tâm Phương. Còn lại 9 đơn vị đang chỉnh sửa hồ sơ và 13 đơn vị khác chưa nộp hồ sơ.

Mới đây, UBND tỉnh đã làm việc với UBND TP.Biên Hòa về công tác di dời các lò gốm vào cụm công nghiệp này. Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nay đến tháng 6-2016, nếu các đơn vị không xây dựng nhà xưởng để di dời sẽ thu hồi lại đất. Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Lại Thế Thông cho rằng việc di dời đã kéo dài quá lâu, vì vậy thời gian tới thành phố sẽ thực hiện quyết liệt việc này. “Riêng dòng sản phẩm gốm đen đang chờ Sở Khoa học - công nghệ trả lời xem có phương án khắc phục được ô nhiễm hay không để duyệt cho xây dựng lò tại cụm gốm này. Bởi sát cụm công nghiệp gốm một bên là khu dân cư của tỉnh Bình Dương, một bên là khu tái định cư, nếu để tình trạng ô nhiễm sẽ rất khó khăn cho sau này” - ông Thông nói.

* Doanh nghiệp chờ hạ tầng

Đầu bên kia thành phố, khu chế biến gỗ tập trung phường Tân Hòa đến nay đã có gần 40 DN vào hoạt động từ khá lâu, tuy nhiên hạ tầng ở đây lại chưa có gì ngoài đường điện. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dương Lộc Phú Vina, chia sẻ: “Mỗi lần dắt khách hàng nước ngoài vào thăm nhà xưởng nơi đây họ đều ngán ngẩm, mong sao sớm có con đường để việc đi lại thuận tiện hơn cho DN và người dân nơi đây”.

Theo lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa, vì đây không phải cụm công nghiệp nên thành phố không đầu tư hạ tầng. UBND thành phố đã cho phép các DN nơi đây tự đóng góp tiền để xây dựng hạ tầng theo hiện trạng. Ông Quách Đình Phong, cán bộ địa chính - xây dựng phường Tân Hòa, cho biết hiện phường đã cho đơn vị tư vấn khảo sát 5 tuyến đường trong khu vực này. Tuy nhiên, trước mắt từ nay đến khoảng tháng 2-2016, tập trung cho việc đầu tư hệ thống nước trước sau đó mới xây dựng đường. Dự kiến hệ thống đường nước nơi đây khoảng 1,5 tỷ đồng sẽ do dân và DN đóng góp xây dựng.

Cũng theo ông Phong, trong 5 tuyến đường này sẽ ưu tiên vận động đầu tư trước 3 tuyến chính, tuyến dài nhất là 625m với kinh phí dự toán gần 4 tỷ đồng. “Làm đường ở khu vực này kinh phí sẽ cao hơn những nơi khác do có nhiều xe trọng tải nặng đi lại. Ví dụ, đường mương thoát nước không thể đặt cống tròn được mà phải đúc cống hộp” - ông Phong nói. UBND phường Tân Hòa cũng cho hay, phường chỉ đứng ra tổ chức, còn lại kinh phí cũng như phương án đóng góp do DN và người dân tự thỏa thuận.

Khắc Giới

 

 

Tin xem nhiều