Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ ít người xài chất cấm, thịt heo cả vùng mang tiếng

11:08, 28/08/2015

PGS.TS Lã Văn Kính là "người quen" với người chăn nuôi Đồng Nai vì ông đã có hơn 10 năm gắn bó với vùng đất này.

PGS.TS Lã Văn Kính là “người quen” với người chăn nuôi Đồng Nai vì ông đã có hơn 10 năm gắn bó với vùng đất này. Ngoài việc hướng dẫn khoa học - kỹ thuật ngành chăn nuôi để giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng, ông cũng là người đầu tiên về Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi không dùng chất cấm trong chăn nuôi. Vấn đề khiến ông trăn trở nhiều năm là người chăn nuôi Đồng Nai và cả nước sẽ nói không với chất cấm.

Từ năm 2006, PGS.TS Lã Văn Kính đã bắt đầu đăng đàn khuyến cáo người chăn nuôi không dùng chất cấm và đưa ra một số giải pháp nuôi heo an toàn, nhiều nạc mà không sử dụng chất cấm. Theo ông, Đồng Nai đang là tỉnh có chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, muốn phát triển chăn nuôi bền vững, đủ sức cạnh tranh với thịt nhập khẩu thì phải chăn nuôi theo hướng an toàn để tạo nên thương hiệu riêng bền vững.

* Nông dân Đồng Nai khá nhanh nhạy

Hơn 10 năm gắn bó với ngành chăn nuôi Đồng Nai, ông có nhận xét gì về chăn nuôi của tỉnh?

- Nhiều năm gắn bó với người chăn nuôi Đồng Nai, tôi nhận thấy họ tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất rất nhanh. Hiện Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với trên 1,5 triệu con, và là địa phương chủ yếu nuôi theo hình thức tập trung trang trại, chiếm đến gần 70%. Điều này chứng tỏ người chăn nuôi Đồng Nai đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp, đồng thời chăn nuôi tập trung giúp người dân dễ dàng quản lý dịch bệnh và hướng đến sản xuất theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn để tăng sức cạnh tranh. Hiện nay, Đồng Nai cũng là tỉnh có năng suất chăn nuôi cao nhất cả nước, cung cấp lượng thịt heo lớn cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tôi có thể ví Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi vì tại đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong nước chọn đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Nhiều người tỏ ra lo ngại khi hàng loạt tập đoàn lớn của nước ngoài đang đầu tư vào chăn nuôi tại Đồng Nai, có thể doanh nghiệp trong nước, trang trại khó cạnh tranh và sẽ dần trở thành các cơ sở gia công. Điều này có đáng lo ngại không ?

- Theo tôi, xu hướng này là tất yếu khi Việt Nam mở cửa thị trường ngày một sâu rộng. Không chỉ chăn nuôi ở Đồng Nai mà cả nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều tập đoàn nước ngoài có vốn, kinh nghiệm đầu tư theo chuỗi vào lĩnh vực trên. Hiện nay, mức tiêu thụ thịt bình quân của người Việt Nam chỉ bằng 40-50% của thế giới nên các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng còn lớn. Dù khó khăn hơn, nhưng không phải chăn nuôi trong nước sẽ mất hết cơ hội, nếu các trang trại chăn nuôi liên kết lại và tạo thành chuỗi vẫn có thể phát triển tốt.

 Ngoài những nỗi lo trên, người chăn nuôi còn thêm bất an khác. Tới đây, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết, thịt nhập giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước càng thêm khó khăn. Để vượt qua “sóng lớn”, cần phải làm gì?

- Khi tham gia TPP, chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do năng suất chăn nuôi của Việt Nam so với các nước còn thấp, dịch bệnh nhiều, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phần lớn nhập khẩu dẫn đến giá thành chăn nuôi của Việt Nam rất cao. Đơn cử, heo nái ở Đan Mạch sinh sản khoảng 30 heo con/nái/năm, nhưng tại Đồng Nai nơi có năng suất chăn nuôi heo tốt nhất cả nước mới đạt 22-24 heo con/nái/năm. Các nước có chăn nuôi phát triển thường gắn kết đầu ra của trồng trọt làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, ít phải nhập khẩu. Còn ở Việt Nam, đầu ra của trồng trọt xuất khẩu giá rẻ, nhưng nguyên liệu nhập về làm thức ăn cho chăn nuôi giá lại cao.

Muốn vượt qua sóng lớn, người chăn nuôi phải liên kết lại thành chuỗi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất để hạ giá thành và phải luôn đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để chăn nuôi trong nước và Đồng Nai phát triển bền vững và giữ thị trường trong nước.

* Không nhiều người xài chất cấm

 Nhiều năm liền, ông đến Đồng Nai và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ khuyến cáo người chăn nuôi không dùng chất cấm, song tình trạng này vẫn còn diễn ra. Theo ông phải làm thế nào tình trạng dùng chất cấm trong chăn nuôi mới chấm dứt?

- Năm 2006, tôi đã bắt đầu đến Đồng Nai tổ chức các hội thảo và khuyến cáo người chăn nuôi, thương lái và các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không dùng chất cấm trong chăn nuôi, vì có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện tình trạng sử dụng chất cấm vẫn còn và tôi khẳng định chỉ là số ít, nhưng nó đang là “con sâu làm rầu nồi canh”. Những hộ chăn nuôi dù vô tình hay cố ý dùng chất cấm là đang gây ra tội ác lớn. Họ không chỉ đầu độc những người tiêu dùng mà còn đang đầu độc chính bản thân, con cháu mình.

Theo PGS.TS Lã Văn Kính, Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới. Đứng đầu là Trung Quốc với trên 49 tỷ tấn thịt heo/năm, tiếp đến là Hoa Kỳ hơn 9,9 tỷ tấn, Đức trên 4,5 tỷ tấn, Tây Ban Nha gần 3,6 tỷ tấn, Brasil khoảng gần 3,5 tỷ tấn và Việt Nam gần 3,2 tỷ tấn. Tiếp đó là Canada, Nga, Hà Lan, Pháp mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 2-2,5 tỷ tấn thịt heo.

Sở dĩ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại là do mức xử phạt vi phạm còn quá nhẹ. Mức phạt chỉ từ 5-15 triệu đồng với các trại dùng chất cấm thì chưa đủ sức răn đe. Tôi cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nên tăng mức xử phạt hành chính lên 100 triệu đồng/trại và nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng nên chuyển qua xử lý hình sự, những trường hợp phát hiện tái phạm buộc ngưng chăn nuôi. Xử phạt nặng, siết chặt quản lý, tôi nghĩ sẽ dẹp được tình trạng lén lút dùng chất cấm.

* Ông có nhiều đề tài nghiên cứu về chăn nuôi tại Đồng Nai và đã đưa ra một số giải pháp nuôi heo an toàn, nhiều nạc mà không cần dùng chất cấm. Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp này?

- Một số người chăn nuôi hiện vẫn nhầm tưởng khi dùng chất cấm, heo sẽ tăng trọng nhanh và tạo ra nạc nhiều, song heo dùng chất cấm tăng trọng giảm so với bình thường vì lượng lớn mỡ đã chuyển hóa tạo nạc. Vì vậy, việc dùng chất cấm chỉ làm lợi cho một số thương lái. Tôi đã từng hướng dẫn nhiều trang trại nuôi heo an toàn, nhiều nạc mà không cần dùng chất cấm khá thành công. Cụ thể, người chăn nuôi chọn giống heo tốt, nắm rõ kỹ thuật trong cung cấp thức ăn cho heo từng giai đoạn để không thừa, không thiếu, đảm bảo cân bằng các acid amin với năng lượng và bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng tạo nạc không gây hại, như: Chromium, L-Carnitine, Betain.

* Gắn bó với người chăn nuôi Đồng Nai nhiều năm, ông có nhắn nhủ gì?

- Điều tôi muốn nhắn nhủ với bà con chăn nuôi trong tỉnh, đây là vùng nuôi heo lớn nhất cả nước, heo Đồng Nai có thương hiệu trên thị trường và được thương lái chấp nhận mua với giá cao hơn hẳn các tỉnh, thành lân cận. Thương hiệu này người chăn nuôi Đồng Nai phải mất nhiều năm tạo dựng mới có được, đừng để mất. Muốn nghề nuôi heo phát triển bền vững, các hộ chăn nuôi bảo nhau không dùng chất cấm, vì dùng chất cấm chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”, gây thiệt hại cho thương hiệu thịt heo của cả vùng. 

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều