Cuộc “thử lửa” khắc nghiệt nhất cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính là đợt khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 2008 đến nay.
Cuộc “thử lửa” khắc nghiệt nhất cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính là đợt khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 2008 đến nay. Với mỗi người, chèo chống để vượt qua khó khăn không còn là chuyện xa lạ nữa. Nhưng đi cùng với những thử thách khắc nghiệt đó, nhiều doanh nhân đã phần nào chứng tỏ được bản lĩnh của mình.
Xếp dỡ container tại Cảng Đồng Nai. |
22 doanh nhân xuất sắc (giai đoạn 2010 - 2012) được UBND tỉnh tôn vinh trong dịp lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Tuy ở nhiều ngành, nghề khác nhau, song họ đều là những người đã chìm nổi cùng doanh nghiệp, cố gắng trụ vững và hoàn thành tốt chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh trong thời điểm rất khó khăn.
* Làm giàu không dễ
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho biết năm 2009, khi về nhận nhiệm vụ ở Cảng Đồng Nai, cảng đang chuẩn bị có sự thay đổi lớn về ngành hàng, sang vận chuyển container.
Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp Trao đổi với Báo Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định, tinh thần “đồng hành với doanh nghiệp” vẫn được lãnh đạo tỉnh quán triệt, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều chương trình hành động và giải pháp chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn và đã chủ động gặp gỡ, cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo ra một môi trường thực sự thông thoáng, lành mạnh cho doanh nghiệp làm ăn, cạnh tranh bình đẳng. |
Thách thức đặt ra trước mắt khá nhiều, vì hàng container đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải khác biệt, cách quản lý cũng phải mới mẻ hơn, trong khi tổ chức bộ máy quản lý lại theo lối cũ, cảng thì không có đường vào. Chính lúc này, phải đi tìm từng nút thắt để gỡ. Đầu tiên là mở con đường vào cảng. Mãi tới tháng 10-2011, con đường vào cảng mới xong. “Năm 2012 rất khó khăn, phải quyết tâm kéo khách hàng và các hãng tàu về mới tồn tại được. Cố gắng mãi, chúng tôi cũng đạt sản lượng gấp rưỡi so với kế hoạch dự kiến ban đầu” - bà Mai chia sẻ. Trong khi tìm hàng hóa khó khăn, bà Mai cho biết doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại cho hợp lý hơn, như thay đổi về nhận thức cho người lao động, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng lại công tác quản trị công ty…
Với Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc - chia sẻ, dù là đa ngành nghề, song tổng công ty không đầu tư dàn trải mà vẫn tập trung ngành chính, từng bước chèo chống vượt qua khó khăn. “Chúng tôi đã phát triển bền vững và không bị tác động bởi những biến động kinh tế dữ dội trong giai đoạn vừa qua như những doanh nghiệp “chạy đua” vào các ngành nghề nhạy cảm, như: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng…” - bà Hồng cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Đình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D), nhận định D2D giữ vững được tăng trưởng và lợi nhuận suốt mấy năm qua, giữa lúc thị trường bất động sản “trăm đường khó” là do biết tập trung vào mũi nhọn. “Không phải lúc mơ mộng về các dự án ngàn tỷ hay bán nhà trên giấy nữa, mà chúng tôi phải bám vào thực tế để tồn tại, bán sản phẩm thật với giá hợp lý” - ông Đình nói. Theo đó, D2D chỉ tập trung vào một số ít dự án khả thi, trong đó có dự án chợ Long Thành mới - chợ lớn nhất Đồng Nai với kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng, hiện đã thu hút 100% tiểu thương vào kinh doanh, đồng thời tiếp tục kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. D2D đã mạnh dạn buông một số dự án dân cư, trong đó có dự án lên đến cả ngàn tỷ đồng, bởi thấy quá dàn trải và thiếu khả thi.
* Dồn sức phát triển
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9-2013, tổng vốn đăng ký kinh doanh (cả vốn mới và vốn tăng thêm) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.900 tỷ đồng, bằng 86,3% kế hoạch năm 2013. Trong đó có gần 1.440 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 4.700 tỷ đồng và 132 lượt doanh nghiệp đăng ký vốn bổ sung trên 2.200 tỷ đồng. Cũng theo Sở Kế hoạch - đầu tư, số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể có tăng, song ở tỷ lệ thấp, không đáng kể so với mặt bằng chung.
Công nhân sản xuất tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). |
Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù khó khăn còn tiếp diễn, song con đường để họ tiếp tục “chiến đấu” và duy trì tăng trưởng đã rõ ràng hơn sau mấy năm được tôi luyện trong thách thức. Bà Bạch Mai cho biết, năm 2013, cảng mở thêm hệ thống kho cảng. “Trong những thời điểm này phải ra các quyết định mang tính “sống còn” là rất khó khăn, ví dụ như khi ra quyết định phải đầu tư thêm hạ tầng là cả một vấn đề. Làm hàng container, việc mở rộng là bắt buộc nhưng vốn liếng ở đâu để thực hiện? Song, nếu không đầu tư sớm thì khi kinh tế phát triển trở lại sẽ không kịp” - bà Mai chia sẻ.
Tổng công ty Dofico vẫn xác định phát triển ngành nghề chủ lực của mình là chế biến thực phẩm và sẽ huy động năng lực tài chính tập trung phát triển. Đây là một ngành sản xuất có tính bền vững cao, lại phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh và Đông Nam bộ - khu vực có ngành nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi phát triển gắn với thị trường tiêu dùng rộng lớn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khủng hoảng sàng lọc bản lĩnh doanh nhân “Một thời kỳ chưa xa, chúng ta coi thường doanh nhân, thậm chí coi doanh nghiệp như những yếu tố tiêu cực: con phe, con buôn. Nay nhận thức đã thay đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định quan hệ mật thiết giữa lợi ích của doanh nhân và lợi ích của quốc gia, đó chính là dân giàu - nước mạnh, không thể chỉ có nhà nước mạnh và nhà nước lo hết cho dân. Nền kinh tế tập trung bao cấp có thể chỉ phù hợp trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Tôi từng tham gia một diễn đàn “Làm giàu không khó” trên Đài Truyền hình Việt Nam, cũng để cho mọi người quen dần với doanh nhân. Nhưng tôi tham gia để rồi nhận thức ra rằng, làm giàu không hề dễ. Nhìn về cuộc khủng hoảng hiện nay, thấy rất xót xa khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, nhưng đó là tất yếu. Có yếu tố khách quan bên ngoài, có yếu tố quản lý bên trong, song điều đó nói lên một điều rõ ràng: doanh nhân phải có năng lực, bản lĩnh nhất định và luôn phải đứng trước những thách đố khắc nghiệt. Thử thách này chính là sự sàng lọc. Có thể, khi đi sâu vào thân phận của mỗi doanh nghiệp đã thất bại thấy rất xót xa, nhưng trên bình diện chung, đó là tất yếu. Thời cuộc đòi hỏi sự thay đổi rất nhanh và rất sâu từ đội ngũ doanh nhân”. |
Khắc Giới - Vi Lâm