Theo dự báo, mùa mưa 2013 đã bước vào chặng cuối. Song tại nhiều nơi trong tỉnh, người dân vẫn thấp thỏm lo mưa, bão gây lũ quét, ngập lụt và lốc xoáy.
Theo dự báo, mùa mưa 2013 đã bước vào chặng cuối. Song tại nhiều nơi trong tỉnh, người dân vẫn thấp thỏm lo mưa, bão gây lũ quét, ngập lụt và lốc xoáy.
Tuyến đường 30-4 (TP. Biên Hòa) bị ngập nặng mỗi khi mưa. |
Cả năm 2012, chỉ có 8 cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng năm 2013 tính đến đầu tháng 10 đã xuất hiện 10 cơn bão. Có cơn bão sau khi vào gần đất liền lại mạnh lên thành siêu bão gây thiệt hại nặng nề.
* Khó biết trước
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, tính đến thời điểm này số cơn bão xuất hiện trên biển Đông đã nhiều hơn 2 cơn so với cả năm 2012. Dự báo từ nay đến hết mùa mưa (cuối tháng 11), có thể tiếp tục còn bão. Bão cuối mùa thường có xu hướng di chuyển về phía Nam, vì vậy nếu xảy ra bão, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam bộ. Ông Bùi Hữu Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nhận định: “Năm nay, bão và áp thấp khó dự báo hơn mọi năm. Vì quá trình hình thành, di chuyển không theo quy luật như những năm trước. Chưa kể trong quá trình di chuyển, bão có thể thay đổi hướng đột ngột và mạnh lên thành siêu bão”. Do đó, ông Huệ khuyến cáo người dân cần theo dõi sát các bản tin thời tiết để khi xuất hiện bão, áp thấp, mưa lớn có thể chủ động đối phó kịp thời, hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Ông Mai Trung Ý, Trưởng phòng Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã xảy ra vài chục đợt dông, lốc làm tốc mái, sập gần 100 căn nhà và hư hỏng gần 100 hécta cây trồng các loại. Dông, lốc thường xuất hiện bất ngờ ở mọi nơi, khó dự báo trước”.
* Lo các hồ xả lũ
Những ngày qua, mưa lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng nên một số hồ lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã đầy. Từ nay đến hết mùa mưa, nhiều hồ sẽ phải xả tràn để đảm bảo an toàn cho hồ chứa. Nếu các hồ xả tràn với lưu lượng lớn, vùng hạ du có thể bị ngập lụt.
Cụ thể, nếu hồ Trị An xả tràn, một số phường thuộc TP.Biên Hòa và 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu sẽ bị ngập lụt. “Huyện đã xây dựng bản đồ xả lũ của hồ Trị An với nhiều cấp độ, mức độ ảnh hưởng ở hạ lưu để khi hồ có thông báo xả lũ, huyện sẽ thông báo cho các xã dễ bị ngập lụt chuẩn bị di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, nếu hồ xả lũ với lượng lớn mà hạ lưu đang có mưa và triều cường thì thiệt hại khó đoán trước” - ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, nói.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, trong tháng 10-2013, trên địa bàn tỉnh sẽ có 20-25 ngày mưa trên diện rộng với các trận mưa vừa, mưa to. Trong các cơn mưa kèm dông, gió giật mạnh, lốc xoáy và khả năng sẽ có 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Bão, áp thấp cuối mùa thường ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Nam bộ. |
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai dự báo: “Hiện đang vào cao điểm của mùa lũ, song không xảy ra bão gây mưa lớn ở phía Nam thì đỉnh lũ trên sông Đồng Nai tại Tà Lài (huyện Tân Phú) và trạm Phú Hiệp trên sông La Ngà (huyện Định Quán) chỉ xấp xỉ báo động II. Nếu có bão gây mưa lớn, nước trên các sông có thể dâng lên trên báo động II hoặc xấp xỉ báo động III”. Thực tế, nước trên sông La Ngà, sông Đồng Nai lên trên báo động II sẽ gây ra ngập lụt ở nhiều xã thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa.
Ngoài ra, mưa lớn cuối mùa còn mang thêm hiểm họa lũ quét ở một số vùng thuộc các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh. Đồng thời, những khu vực ven sông, hồ Trị An, vùng cao trong tỉnh, dễ xảy ra lốc xoáy mạnh gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu.
Hương Giang