Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội xuất hàng sang Nhật

11:04, 26/04/2013

Nhiều doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà đầu tư của Nhật Bản có xu hướng rời thị trường Trung Quốc, dịch chuyển đến khối ASEAN trong thời gian gần đây và việc Chính phủ Nhật Bản tung ra gói kích thích kinh tế sẽ là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam sang Nhật.

Nhiều doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà đầu tư của Nhật Bản có xu hướng rời thị trường Trung Quốc, dịch chuyển đến khối ASEAN trong thời gian gần đây và việc Chính phủ Nhật Bản tung ra gói kích thích kinh tế sẽ là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam sang Nhật.

Nhật Bản vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho các DN mở rộng thị phần. Năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt trên 25 tỷ USD (xuất khẩu 13 tỷ USD và nhập khẩu 12 tỷ USD). Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và châu Âu.

* Kỹ tính nhưng ổn định

Từ đầu năm đến nay, anh Vũ Việt Hà, Giám đốc Công ty Đồng Việt Phú (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) liên tục tiếp các doanh nhân của Nhật Bản sang thăm nhà máy sản xuất vải và túi vải không dệt của công ty. Có những ngày, anh phải tiếp đến 3 đoàn doanh nhân và họ cũng không ngại cho biết xu hướng đầu tư, nhập khẩu hàng từ các nước ASEAN của phía Nhật Bản đang tăng mạnh, thay vì từ Trung Quốc như trước. Nhiều DN Nhật muốn sang đây để tìm hiểu thêm thị trường để nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới.

Một góc xưởng sản xuất hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Đồng Tiến.           Ảnh: V.Nam
Một góc xưởng sản xuất hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Đồng Tiến. Ảnh: V.Nam

“DN Nhật rất kỹ tính, họ tìm hiểu đi tìm hiểu lại, có khi cả năm trời mới ký hợp đồng, nhưng khi đã đồng ý rồi thì mọi việc rất suôn sẻ và quy củ. Nhu cầu nhập khẩu túi vải không dệt của họ rất lớn, đây cũng là cơ hội cho mình” - anh Hà nói. Quá trình xuất khẩu hàng sang Nhật Bản của Công ty Đồng Việt Phú đến nay cũng khá thuận lợi, nếu như cuối năm 2012 DN chỉ xuất được khoảng 20 ngàn sản phẩm mỗi tháng thì nay đã lên đến trên 200 ngàn sản phẩm/tháng.

Ở Đồng Nai, hiện tại nhiều mặt hàng đang được xuất khẩu sang Nhật Bản khá tốt, như: may mặc, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản, hải sản và một số sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử  do các DN Nhật Bản sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng sang thị trường này, anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec), cho rằng làn sóng các DN Nhật Bản rời Trung Quốc và tìm đến thị trường các nước khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam để làm ăn là một cơ hội tốt. Anh Hoàng nói: “Ở Trung Quốc, giá nhân công lao động và các chi phí khác cũng đã rất cao, không còn là lợi thế cạnh tranh nữa, và chỉ còn mạnh ở ngành công nghiệp phụ trợ”. Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu của Dovitec đạt 420 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011, thị trường xuất khẩu của Dovitec là: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Nga, trong đó thị trường Nhật chiếm 45%. Với mặt hàng đồ gỗ, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Giang Thành (huyện Trảng Bom), chuyên xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ sang thị trường Nhật cho biết, thị trường này ổn định hơn so với châu Âu và Mỹ.

* Tận dụng chính sách

Tại hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn DN Nhật Bản” tổ chức vào giữa tháng 3 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết thị phần hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong 10 năm qua liên tục tăng, nếu như năm 2003, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật mới chỉ chiếm 0,7% thì năm 2007, tăng lên 0,9% và đến năm 2012 tăng lên 1,7%. tuy vậy, con số này còn rất nhỏ so với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng năm của Nhật là 134 ngàn tỷ yên. Ông Dũng còn cho rằng, gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỷ USD mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra sẽ thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, hàng Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi.

Công nhân Công ty Đồng Việt Phú đang sản xuất vải không dệt để may túi xuất khẩu sang Nhật Bản.            Ảnh: V.NAM
Công nhân Công ty Đồng Việt Phú đang sản xuất vải không dệt để may túi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: V.NAM

Theo đánh giá của Câu lạc bộ (CLB) các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai, xuất khẩu hàng sang Nhật Bản của các DN Việt Nam trong thời gian vừa qua có nhiều thuận lợi, cụ thể là Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009 đã tạo điều kiện tốt cho thương mại hai nước. Nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu sang Nhật đã được cắt giảm thuế ngay từ năm 2009, cụ thể là có 847 dòng thuế về 0%. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2018, nhiều mặt hàng nông sản xuất vào Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0%. Gần nhất là năm 2014 với các sản phẩm, như: bạch tuộc, sứa và năm 2015 sẽ là gừng, chuối, xoài, đậu nành, đến năm 2016 có tiêu, bắp… Trong đó, có những mặt hàng có thế mạnh của Đồng Nai, như: tiêu, xoài, chuối.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm CLB các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận định: “Nhật Bản là nước nhập siêu các mặt hàng dệt may, da giày, thực phẩm, nông sản, đồ gỗ, trong khi Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm này. Do đó, DN cần tận dụng tốt các ưu đãi về thị trường và thuế”.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích