Hiện nay, một số doanh nghiệp, chủ trang trại ở Đồng Nai đã và đang tìm cơ hội đầu tư tại nước ngoài, tập trung ở các loại cây trồng và vật nuôi thế mạnh.
Hiện nay, một số doanh nghiệp, chủ trang trại ở Đồng Nai đã và đang tìm cơ hội đầu tư tại nước ngoài, tập trung ở các loại cây trồng và vật nuôi thế mạnh.
Những doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư nông nghiệp tại nước ngoài có thể kể đến là: Tổng công ty cao su Đồng Nai, Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty cổ phần đường Biên Hòa.
* Đầu tư vùng chuyên canh
Trong tình hình kinh tế khó khăn, đầu tư ra nước ngoài là việc không dễ, song các doanh nghiệp, chủ trang trại trong tỉnh vẫn mạnh dạn tìm cơ hội cho mình. Một số công ty đã tiến hành đầu tư thành lập nông trường, hình thành các vùng chuyên canh cao su, cà phê lớn và dự tính còn tiếp tục mở rộng diện tích.
Một trại gà đẻ trứng của một người gốc Việt đầu tư tại Cao nguyên Boloven (Lào). Ảnh: K.N |
Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết: “Tổng công ty đã đầu tư trồng được gần 6.400 hécta cao su tại tỉnh Kratié của Campuchia. Vườn cây đa số đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, sắp thu hoạch. Ngoài ra, tổng công ty đang hoàn tất một số thủ tục để tiếp tục đầu tư trồng cao su tại Lào”.
Để có thêm vùng nguyên liệu lớn và ổn định, từ năm 2007, Tổng công ty Tín Nghĩa đã mở rộng quy mô hoạt động sản xuất và tiến hành đầu tư trồng cà phê tại Lào. Hiện tại, Tín Nghĩa đã tiến hành thành lập 2 nông trường chuyên canh cà phê và trồng được khoảng 600 hécta cà phê tại huyện Pakson thuộc tỉnh Champasak, nằm trên cao nguyên Boloven. Năm 2012, doanh nghiệp đã thu được khoảng 1 ngàn tấn cà phê tại 2 nông trường này.
Theo đại diện của Tổng công ty Tín Nghĩa, trong thời gian tới, tổng công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà phê tại nước Lào. Dự kiến đến năm 2015, Tín Nghĩa sẽ hoàn tất chương trình phát triển nông trường cà phê tại Lào với diện tích lên đến 1 ngàn hécta. Bên cạnh đó, tổng công ty vẫn đang triển khai thêm khu resort tại tỉnh Champasak của Lào để thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng.
* Cơ hội và thách thức
Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi các công ty phải có nguồn vốn lớn. Ngoài ra, thủ tục đầu tư sản xuất tại nước ngoài cũng khá phức tạp.
Công ty cổ phần đường Biên Hòa hiện đang hoàn tất một số thủ tục thuê đất trong 50 năm tại Campuchia để tiến hành trồng mía, tạo thêm vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định. “Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với phía nước bạn Campuchia để hoàn thành giấy phép đầu tư lô đất trên 8.700 hécta tại tỉnh Svayrieng. Sau khi có giấy phép đầu tư, công ty sẽ tiến hành trồng mía tại tỉnh này”- ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa nói.
Cán bộ Tổng công ty cao su Đồng Nai hướng dẫn công nhân chăm sóc cao su tại tỉnh Kratié (Campuchia). |
Ông Lộc cho biết thêm, công ty chọn đầu tư ra nước ngoài là vì diện tích đất trong nước không còn đủ để phát triển thêm vùng nguyên liệu. Đồng thời, 2 năm lại đây, giá đường thế giới liên tục giảm kéo theo giá đường trong nước giảm sâu, thu nhập từ trồng mía thấp hơn các cây trồng khác, nông dân trong nước không mặn mà với trồng mía.
Nuôi heo ở Canada Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Đầu tư nuôi heo trong nước hơn 1 năm nay thường xuyên bị thua lỗ vì giá heo trong nước thấp, chi phí đầu vào cao. Hiện tôi cùng một số chủ trang trại trong tỉnh đang có kế hoạch chung vốn mua một trang trại rộng hơn 100 hécta tại Canada để đầu tư sản xuất heo giống và nuôi heo thịt”. Theo ông Công, chọn đầu tư ở Canada là vì cơ sở chuồng trại khá tốt và chính phủ Canada có nhiều chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi ở nước này khá ổn định. Tuy nhiên, việc đầu tư này cũng gặp không ít khó khăn, vì thủ tục phức tạp, khí hậu rất lạnh, việc đi lại quản lý trang trại tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Khánh Minh |
Tuy chưa chính thức đầu tư, song Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cũng đang tìm cơ hội để đầu tư chăn nuôi tại Lào. “Vừa qua, tổng công ty đã tổ chức một vài đợt qua Lào để tìm mua, thuê đất phát triển chăn nuôi. Tới đây nếu tìm được khu vực thuận lợi hơn trong nước, tổng công ty sẽ tiến hành đầu tư” - ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho hay. Nhận định của một số doanh nghiệp cho thấy, đầu tư ra nước ngoài luôn tiềm ẩn cơ hội lẫn rủi ro cao, nhưng một số công ty, trang trại vẫn chấp nhận để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn cho mình.
Hương Giang