Báo Đồng Nai điện tử
En

Các ngành may mặc, giày dép xuất khẩu: Chủ động cho năm mới

09:12, 31/12/2012

Hai ngành may mặc và giày dép xuất khẩu được xem là sớm ổn định đơn hàng cho năm mới 2013. Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí có những mặt  hàng ký hết năm.

Hai ngành may mặc và giày dép xuất khẩu được xem là sớm ổn định đơn hàng cho năm mới 2013. Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí có những mặt  hàng ký hết năm.

Năm 2013 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là năm sẽ có nhiều khó khăn, các DN sản xuất hàng may mặc, giày dép xuất khẩu cũng đã tiên liệu từng thị trường xuất khẩu của mình để đưa ra những phương án xuất khẩu thích hợp.

* Thị trường chuyển dịch

Kết thúc năm 2012, Xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai (Donamay, KCN Biên Hòa 1) đã xuất khẩu 5 triệu USD và đơn hàng cho năm mới cũng đã được ký đến giữa tháng 5-2013. Là đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu qua thị trường Đông Âu, Phó giám đốc Donamay Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, sức mua của thị trường Đông Âu từ cuối năm 2012 bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, giá cả hết sức cạnh tranh mới có thể tiêu thụ được. Điều này là bất lợi cho các ngành hàng xuất khẩu trong đó có may mặc trong năm 2013. Cũng theo bà Liên, năm nay kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này sẽ khó có thể tăng được hơn so với năm 2012.

Sản xuất giày thể thao xuất khẩu ở Công ty Changshin VN (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh : K.Ngân
Sản xuất giày thể thao xuất khẩu ở Công ty Changshin VN (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh : K.Ngân

Không chỉ Donamay mà những DN may mặc có thị trường chính là Đông Âu cũng không dám kỳ vọng tăng trưởng cao cho năm mới, đơn cử như Công ty Long Giang (huyện Nhơn Trạch) đưa ra kế hoạch xuất khẩu chỉ bằng với năm 2012 là 7 triệu USD. Nhận diện được khó khăn sớm và có những phương án xử lý đây cũng là sự chủ động tốt của các DN nhỏ.

Ở những công ty may mặc lớn, có thị trường đa dạng, mặc dù nhìn thấy những khó khăn nhưng vẫn tin tưởng trong năm 2013 giữ được mức tăng trưởng khá. Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec, TP.Biên Hòa), năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 420 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011, thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật và Nga. Đơn hàng năm mới của Dovitec cũng đã ký hết quý II. Căn cứ vào những biến động của thị trường, DN xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho năm nay tăng khoảng 5% so với năm 2012.

Thị trường Nhật năm nay được các chuyên gia cảnh báo là khó khăn hơn so với mọi năm, thế nhưng Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex) có tới 60% lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này vẫn ký được hợp đồng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu của Donagamex năm 2012 đạt 45 triệu USD, và dự kiến trong năm 2013 tăng lên 60 triệu USD. Đến nay, Donagamex đã ký được hợp đồng đến giữa quý II và một số mặt hàng ký hết năm. Theo ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex, thì khả năng hoàn thành kế hoạch trong năm 2013 sẽ đạt được. “Năm 2013 mặc dù thị trường Nhật bị khó khăn nhưng sẽ không có tác động lớn đến may mặc, trong khi đó thị trường Mỹ từ cuối năm 2012 lại ấm dần lên. Đây là cơ hội cho DN, bên cạnh đó giá của nhiều sản phẩm nguyên phụ liệu của ngành may mặc gần đây được sản xuất ở trong nước nhiều, có giá rẻ hơn so với nhập khẩu, đó cũng là điều kiện tốt”, ông Kích nói.

* Giày dép qua “cửa hẹp”

Ngành giày dép xuất khẩu trải qua một năm cũng đầy gian nan về thị trường, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Việc lọt qua được “cửa hẹp” của năm 2012 là những cố gắng của các DN làm hàng xuất khẩu. Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình (TP.Hồ Chí Minh, có xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom) cho biết, năm 2012 DN hầu như không có hàng gối đầu, thậm chí có những tháng DN phải nhận hàng gia công lại cho một số đơn vị khác để duy trì được sản xuất. “Không biết đến cuối năm ra sao nhưng đầu năm 2013 thì thấy có phần may mắn hơn năm vừa rồi một chút. Cuối tháng 12 vừa qua, công ty đã chốt được hợp đồng sản xuất đến hết quý I - 2013”, bà Nguyễn Thu Diệu, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình chia sẻ. Sản phẩm giày dép của Vĩnh Bình chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường châu Âu thông qua một DN ở Hồng Kông. Theo bà Diệu, thì thị trường châu Âu nhìn chung cuối năm 2011 và cả năm 2012 đều giảm, chỉ có một số ít nước còn giữ được mức tiêu thụ tốt, như: Anh, Bỉ, còn lại những nước trước đây có sức mua tốt là: Pháp, Đức, Ý và Hà Lan thì đều giảm mạnh. 

Ngành may mặc xuất khẩu ở Đồng Nai đã chủ động ký được nhiều đơn hàng cho năm mới. Ảnh : V.Nam
Ngành may mặc xuất khẩu ở Đồng Nai đã chủ động ký được nhiều đơn hàng cho năm mới. Ảnh : V.Nam

Với Công ty giày Tuấn Việt (huyện Nhơn Trạch) sang năm 2013 có khởi sắc hơn. Ông Bùi Văn Tỉnh, Phó giám đốc công ty cho biết, đến nay DN đã ký hợp đồng đến hết tháng 4-2013. Xuất khẩu của Tuấn Việt năm 2012 đạt hơn 7 triệu USD và kế hoạch năm 2013 là 13 triệu USD. Lý giải về sự tăng trưởng gần gấp đôi của DN trong năm nay, ông Tỉnh nói: “Những năm trước, DN phải xuất khẩu hàng thông qua một đơn vị nước ngoài. Nhưng từ cuối năm 2012, công ty đã xuất khẩu được trực tiếp không bị mất đi khoản chênh lệch. Cũng từ quý IV - 2012, công ty mở được thị trường Mỹ và Nam Mỹ, hai thị trường này có mức giá và sức tiêu thụ tốt hơn nhiều so với châu Âu”. Hiện tại, mỗi tháng Tuấn Việt xuất 150 ngàn đôi giày các loại, trong đó 50% sang thị trường Mỹ và Nam Mỹ, 30% sang châu Âu còn lại 20% sang một số thị trường khác.

Ở những DN khác, mặc dù chưa có đơn hàng dài như Tuấn Việt hay Vĩnh Bình, nhưng các chủ DN như: Minh Phương (TP.Biên Hòa), Đông Quang (tỉnh Bình Dương, có xưởng sản xuất tại Biên Hòa) cũng cho biết có được hàng gối đầu ngay từ đầu năm.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều