Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sản xuất bao bì vào mùa hàng tết: “Nhỏ lo, to khỏe!”

09:10, 08/10/2012

Không như những năm trước, ngành bao bì thực phẩm năm nay đón nhận mùa hàng tết khá trễ. Đây là mùa sản xuất sôi động nhất trong năm, các chủ doanh nghiệp (DN) với những tâm trạng chờ hàng sản xuất  khác nhau.

Không như những năm trước, ngành bao bì thực phẩm năm nay đón nhận mùa hàng tết khá trễ. Đây là mùa sản xuất sôi động nhất trong năm, các chủ doanh nghiệp (DN) với những tâm trạng chờ hàng sản xuất  khác nhau.

Trong quý IV, sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Sovi) dự kiến tăng sản lượng khoảng 20%.
Trong quý IV, sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Sovi) dự kiến tăng sản lượng khoảng 20%.

Ông Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty sản xuất bao bì Hạnh Phát (huyện Trảng Bom) cho biết, những năm trước, bước vào đầu tháng 9 là DN đã nhận được khá nhiều hợp đồng cho mùa hàng tết, nhưng năm nay sang đầu tháng 10, DN mới có vài đơn vị đặt hàng. Theo ông Chính, có hai lý do khiến hàng tết năm nay các DN triển khai chậm, thứ nhất do có tháng nhuận nên Tết Nguyên đán 2013 chậm hơn  1 tháng so với bình thường; thứ hai lượng hàng tết năm nay được các nhà sản xuất cân nhắc hơn để tránh tồn kho. “Tết trễ hơn mọi năm nên các DN có thêm thời gian chuẩn bị, đặc biệt năm nay kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên các đơn vị cũng tính toán kỹ để tránh rủi ro. Nhiều DN cho rằng thị trường tết năm nay rất khó nhận định” - ông Chính chia sẻ.

Do khó khăn nên mục tiêu doanh thu đề ra năm 2012 của Hạnh Phát chỉ có 10 tỷ đồng (năm 2011 đạt gần 11 tỷ đồng) nhưng xem ra cũng khó hoàn thành. Đến nay, doanh thu của DN mới đạt 60% so với kế hoạch. Hạnh Phát đang kỳ vọng vào đợt hàng tết, thế nhưng với tình hình vào mùa hàng không mấy khả quan như hiện nay, nỗi lo của DN càng lớn.

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, chủ DN tư nhân Thịnh Đức (huyện Long Thành), cho hay 9 tháng của năm 2012, doanh thu của DN giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2011. Khách hàng của anh chủ yếu là các DN nhỏ, gặp tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều DN giảm sản xuất. Anh Thịnh nói: “Bao bì là ngành phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác nên phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định sản xuất. Năm nay, chỉ những DN có vốn mạnh làm hàng cho các công ty lớn thì mới giữ được doanh thu, còn lại đều giảm, đặc biệt là DN  nhỏ”. Vào mùa hàng tết những năm trước, DN tư nhân Thịnh Đức sản xuất tăng trung bình khoảng 15%, nhưng năm nay chủ DN này chỉ mong tăng từ 7-10%.

Kết thúc mùa làm hàng trung thu 2012, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Sovi) lại bắt tay ngay vào những hợp đồng hàng cho mùa tết. Ông Lê Quốc Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cho biết, mặc dù cũng gặp phải khó khăn nhưng ngay từ đầu năm DN đã đưa ra phương án tăng sản lượng 20% so với năm 2011. Từ đó DN có những chính sách về giá, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng để thu hút khách. Doanh thu đề ra của Sovi cho năm 2012 là 800 tỷ đồng, lợi nhuận là 55 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, DN đã đạt doanh thu 590 tỷ đồng và lợi nhuận 50 tỷ đồng.

Theo ông Tuyên, việc hoàn thành kế hoạch năm nay của Sovi nằm trong tầm tay, bởi vào quý IV là mùa sản xuất hàng tết nên lượng hàng luôn tăng khoảng 20%. Sở dĩ Sovi có được mức tăng trưởng khá tốt như vậy do khách hàng của DN là những công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn có thương hiệu mạnh ở Việt Nam, như: Masan, Pepsi, Unilever Việt Nam, Kinh Đô, UniPresident, Castrol Việt Nam, mỹ phẩm LG Vina, Coca Cola… nên đơn hàng tiêu thụ khá ổn định. “Cung cấp hàng cho các công ty lớn buộc phải chú trọng về thời gian, nhất là vào mùa hàng tết. Có những DN lượng hàng tết tăng tới 50% nên việc đáp ứng bao bì kịp thời để họ đóng gói sản phẩm là rất cần thiết. Các công ty đa quốc gia  đánh giá khách hàng theo từng tháng, vì vậy nếu DN không đáp ứng được các điều kiện đưa ra thì hợp đồng sản xuất sẽ giảm ngay lập tức” - ông Tuyên nói.

Khắc Giới

 

 

 

Tin xem nhiều