Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào tạo đột phá hạ tầng giao thông?

09:01, 06/01/2012

Theo Sở Giao thông - vận tải (GTVT), trong năm 2011, nhiều dự án (DA) giao thông được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ thi công hầu hết đều không đạt mục tiêu đề ra...

 

Theo Sở Giao thông - vận tải (GTVT), trong năm 2011, nhiều dự án (DA) giao thông được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ thi công hầu hết đều không đạt mục tiêu đề ra...

Trước những vướng mắc này, ngày 5-1, Sở GTVT đã tổ chức hội thảo “Nhiệm vụ và giải pháp đột phá, phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 – 2015”.

* Hạ tầng giao thông chưa tương xứng…

Tính đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải. Toàn tỉnh đã phát triển trên 6,5 ngàn km đường gồm 5 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 244 km; hệ thống đường tỉnh gồm 20 tuyến với tổng chiều dài trên 372 km, nhựa hóa 95%; đường đô thị, đường huyện có tổng chiều dài hơn 1,5 ngàn km, nhựa hóa 55%; đường xã, phường gần 4 ngàn km, nhựa hóa 28%. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc, đường liên cảng, tuyến tránh các khu đô thị đang được triển khai thực hiện, kết nối với các khu công nghiệp, cảng và tỉnh thành lân cận. Song, dù đã có nhiều chuyển biến nhưng hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển của một tỉnh công nghiệp. Bên cạnh đó, một số QL kết nối vùng và đường giao thông nội tỉnh hiện quá tải và xuống cấp; vận tải thủy chỉ mới phát triển bước đầu, thiếu hụt hệ thống cảng cạn, cảng biển quy mô; giao thông đường sắt chưa xây dựng được các tuyến mới theo quy hoạch; dịch vụ vận tải chậm đổi mới, sự kết hợp giữa các loại hình vận tải chưa đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả…

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Nguyên nhân chính của sự tồn tại này thì có nhiều, nhưng đối với các DA đang triển khai, cơ bản là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn gặp khó khăn, việc phân định tổ chức nhiệm vụ bồi thường, GPMB giúp nhà đầu tư lập phương án bồi thường tổng thể như hiện nay là không rõ ràng về trách nhiệm, làm mất nhiều thời gian của các bên liên quan. Mặt khác, thủ tục hành chính đối với những vấn đề liên quan đến GPMB còn nhiêu khê; việc quản lý đất đai của các cơ quan chuyên môn tại địa phương nhiều năm qua thực hiện chưa đồng bộ, thiếu tính cập nhật và còn nhiều bất cập.

* Đột phá từ đâu?

Đối với các QL do Bộ quản lý, từ nay đến năm 2015 các đường cao tốc và tuyến vành đai liên vùng sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác gồm các tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; cầu đường quận 9 sang Nhơn Trạch; vành đai 4 liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn tất QL51, QL20; QL1, tuyến tránh Biên Hòa, đường tránh TX. Long Khánh. Sự hình thành các tuyến cao tốc, đường vành đai sẽ rút ngắn hành trình từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Đồng Nai, Vũng Tàu; thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ.

Dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu hiện chưa giải tỏa được đoạn thuộc phường Long Bình Tân. (Ảnh minh họa) Ảnh: T. NGUYÊN
Dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu hiện chưa giải tỏa được đoạn thuộc phường Long Bình Tân. (Ảnh minh họa) Ảnh: T. NGUYÊN

Riêng định hướng phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng Nai đến năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh; 6 tuyến đường thủy nội địa và 2 cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán trên 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh chỉ có khả năng cân đối gần 5 ngàn tỷ đồng, còn lại kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT và vốn huy động xã hội hóa. Thực tế, để xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn, và việc gắn kết, hòa mạng vào hệ thống giao thông các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và toàn vùng thì số kinh phí nêu trên là quá khiêm tốn. Bởi theo tính toán, trong 5 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở Đồng Nai phải cần đến trên 80 ngàn tỷ đồng. Do đó, đây là vấn đề hết sức khó khăn cho ngành chức năng đối với mục tiêu “đột phá” về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng đã đề ra một số giải pháp đột phá chủ yếu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2015. Theo đó, ngành GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, vùng và các bộ ngành trung ương để thực hiện tốt công tác quy hoạch hệ thống giao thông ở Đồng Nai; chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý xây dựng cơ bản; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB thuộc các DA…

Có thể nói, hình thành đúng mức hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, việc chậm trễ trong phát triển giao thông chính là trở ngại lớn đối với yêu cầu của xã hội về mọi mặt.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Phạm Lục Hòa: Hạ tầng giao thông ở Đồng Nai đang là bài toán hết sức nan giải

Chủ trương của Chính phủ giai đoạn 5 năm tới là giảm tỷ lệ vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng Nai trong thời gian tới sẽ là “bài toán” hết sức nan giải. Tôi nghĩ rằng, với một nguồn vốn ít ỏi như đã công bố thì ngành GTVT phải có những giải pháp cụ thể, khả thi, không nên dàn trải cùng lúc nhiều DA. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trách nhiệm chính thuộc về ngành GTVT, nhưng các ngành liên quan và chính quyền địa phương cũng phải tích cực phối hợp và hỗ trợ thì mới tạo được sự đồng thuận cao, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, việc chậm trễ trong giải tỏa, thiếu mặt bằng thi công đã dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả, chất lượng công trình không cao.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Trần Văn Khoan: Thủ tục hành chính trong đền bù giải tỏa quá nhiêu khê!

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu được đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường. Quá trình triển khai thi công, khó khăn nhất vẫn là công tác đền bù, GPMB. Chỉ tính riêng đường tỉnh 768 (từ Bửu Long đến cầu Thủ Biên) đã có 1.800 hồ sơ về đất đai nằm trong quy hoạch. Để thực hiện đúng quy trình về đền bù giải tỏa, huyện đã phải trình thẩm định làm 27 đợt. Điều đáng nói, việc phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục là quá nhiêu khê, tốn rất nhiều thời gian. Có những hồ sơ gửi từ tháng 3-2011 nhưng sau 5 tháng cơ quan chức năng không hề có ý kiến; không ít hồ sơ gửi từ đầu năm đến cuối năm hiện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Nguyên nhân là giữa hồ sơ quản lý đất đai và hồ sơ thu hồi đất thường không khớp mà có sự chênh lệch. Nhưng nếu được trả lời sớm thì việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng, đằng này rất nhiều trường hợp bị “ngâm” một thời gian khá lâu mới được trả về.

Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ (Trường đại học GTVT cơ sở 2): Khâu đột phá trước tiên là thủ tục hành chính!

Theo tôi, đột phá để phát triển hạ tầng giao thông trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, phải xác định được đột phá từ đâu trước. Tôi nghĩ rằng, ở Đồng Nai ngoài những DA trọng điểm, ngành GTVT cần chú trọng phát triển giao thông nông thôn. Một trong những vướng mắc lớn khi thực hiện các DA, đó chính là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều này liên quan đến thủ tục hành chính mà theo tôi, cần phải đột phá trước tiên. Bởi thủ tục hành chính không có sự chuyển biến tích cực mà trở thành “hành là chính” thì sẽ luôn trì trệ, vướng mắc.

Tiến sĩ Lý Bách Chấn (Trường đại học GTVT  TP. Hồ Chí Minh): Vốn đầu tư và mặt bằng thi công là quan trọng nhất!  

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe báo cáo, trong kế hoạch 5 năm ở Đồng Nai, ngân sách chỉ đầu tư cho hạ tầng giao thông có 5 ngàn tỷ đồng là quá ít. Trong khi đó, các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đang đầu tư phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó theo tôi, Đồng Nai tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông theo hình thức BOT, BT, PPP thì mới đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. Kế đến là công tác giải phóng mặt bằng, nếu cứ kéo dài tình trạng trì trệ như thời gian qua, sẽ làm chậm tiến độ phát triển chung, gây khó cho nhà đầu tư.

Đ. Dũng (ghi)

T.Nguyên

 

 

Tin xem nhiều