Mấy năm gần đây, đàn hươu, nai của xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu phát triển khá mạnh. Người nuôi hươu, nai ở đây có thu nhập tốt. Con giống cũng đang gặp thời lên cơn “sốt” giá.
Một con nai chuẩn bị cho khai thác nhung. Ảnh: V. NAM |
Mấy năm gần đây, đàn hươu, nai của xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu phát triển khá mạnh. Người nuôi hươu, nai ở đây có thu nhập tốt. Con giống cũng đang gặp thời lên cơn “sốt” giá.
Nuôi hươu, nai hiện nay cũng được nhiều người dân ở TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, Thống Nhất đầu tư. Song, nghề này phát triển mạnh vẫn là ở xã Hiếu Liêm. Con nai đã gắn bó với nơi này suốt 24 năm qua.
* Nghề phụ cho thu nhập chính
Anh Phạm Văn Cần, người đang nuôi 11 con nai và 1 con hươu cho biết, năm 2011, anh bán 4 con nai giống và 10kg nhung được gần 200 triệu đồng. Gần 20 năm gắn bó với loại thú này, anh có mức thu nhập tốt, căn nhà xây khá khang trang của gia đình anh cũng nhờ nguồn thu từ chúng. Mặc dù thu nhập khá như vậy, nhưng công việc nuôi hươu, nai của gia đình anh vẫn là việc phụ, bởi thời gian chăm sóc chúng chỉ tranh thủ lúc sớm tối, còn thời gian chính của vợ chồng anh vẫn là đi làm rẫy (2 hécta điều và mì). Tính ra, thu nhập hàng năm của vườn điều và mì chưa bằng một nửa so với đàn nai. Anh Cần cho biết: “Nuôi hươu, nai là kinh tế phụ nhưng chúng lại cho thu nhập chính. Tôi làm nhà và mua sắm đồ đạc là từ đàn nai, còn rẫy chỉ đủ ăn thôi”. Ở xã Hiếu Liêm, nhiều hộ đã giàu lên nhờ vào việc chăn nuôi hươu, nai mà điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Châu. Từ một con nai ban đầu được nuôi từ năm 1990 bằng số vốn vay đến nay, trại hươu, nai của ông có 50 con, trong đó có 13 con hươu và 37 con nai. Chỉ riêng đàn nai, mỗi năm cũng cho ông Châu thu nhập trên 400 triệu đồng. Theo ông, việc nuôi hươu, nai từ 20 con trở lên mới phải cần đến một lao động chuyên để chăm sóc, còn khi nuôi dưới mức này đa số sử dụng thời gian tranh thủ. Đây cũng chính là đặc điểm để nhiều người dân ở Hiếu Liêm vượt qua được khó khăn nhờ vào tiền dành dụm từ việc nuôi hươu, nai.
Các hộ chăn nuôi hươu, nai ở đây cho hay, hiện tại chỉ cần có một cặp nai 3 năm tuổi, bất kể là đực hay cái thì mỗi năm cũng bỏ túi được 50 triệu đồng. Sở dĩ không có sự khác biệt giữa nai đực và cái vì nuôi nai cái sẽ bán giống, một con nai giống 4 tháng tuổi hiện tại có giá 25 triệu đồng. Nếu là nai đực thì khai thác được trên dưới 3kg nhung/con/năm, với giá 9 triệu đồng/kg, người nuôi cũng có số tiền tương đương với một con nai giống.
Ông Châu đang cho đàn hươu sao ăn. |
* Nai “sốt” giá
Do việc nuôi nai tương đối dễ nên không chỉ nhiều người dân Đồng Nai mà còn ngoài tỉnh cũng tìm tới đây mua giống về nuôi. Chính vì vậy, nhu cầu về con giống khá lớn khiến giá tăng lên mạnh. Anh Nguyễn Đình Bình, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho hay, hiện tại nai giống đang hút hàng, giá trở nên “sốt”. Từ cuối năm 2010, giá nai bắt đầu tăng mạnh, cho đến cuối năm 2011 đã lên gấp đôi. “Cuối năm 2010, một con nai giống 4 tháng tuổi chỉ ở giá 12 triệu đồng, tới cuối năm 2011, giá đã tăng lên 25 triệu đồng. Giá cao nhưng mua cũng không dễ do người nuôi không bán mà để tăng đàn” - anh Bình nói.
Nhu cầu phát triển đàn nai ở Hiếu Liêm mấy năm gần đây khá mạnh. Hình thức nuôi ăn chia ở đây đã tạo điều kiện cho cả người ít vốn cũng có thể nuôi được. Người góp nai, người góp chuồng và công nuôi chung rồi chia. Với hình thức này, nuôi nai đực khi có nhung được khai thác sẽ chia đôi, còn nuôi nai cái khi có nai con sẽ chia đôi giá trị, nếu nai con là cái sau này đẻ ra con thì con nai “cháu” đó sẽ được chia theo tỷ lệ người nuôi 75% giá trị, còn người góp nai hưởng 25%. Mô hình này đang phát triển mạnh, vì vậy nai giống cũng trở nên hút hàng.
Toàn xã Hiếu Liêm có khoảng 200 hộ nuôi hươu, nai với tổng đàn trên 1.000 con. Số lượng hươu, nai tập trung chủ yếu ở ấp 3 của xã. Gia đình nuôi nhiều có khoảng 50 con, còn nuôi ít thì một vài con.
“Nai khá dễ nuôi do chúng ăn cỏ, rau, củ, quả và nhiều loại lá cây. Một số sự cố thường gặp gây cho nai bị chết như ăn phải nấm, nhện độc lẫn trong cỏ; trúng gió; trướng hơi dạ cỏ; mắc nghẹn trái cây hoặc các loại củ; gãy chân do việc đè cắt nhung. Khi cắt nhung phải có người biết kỹ thuật và nhiều người phụ đè giữ, khoảng 10 người mới giữ nổi một con nai 3 năm tuổi. Nhung ở đây chủ yếu được các thương lái mua gom đưa về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ, giá nhung dao động từ 8 - 12 triệu đồng tùy thời điểm”. |
Vân Nam