Việt Nam đã có thời gian dài phát triển khu công nghiệp (KCN), đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là chủ lực sản xuất hàng hóa, sản phẩm, đưa nước ta hội nhập với thế giới. Hiện nay, tình hình chung là sau thời gian phát triển công nghiệp theo chiều rộng, các địa phương đã bắt đầu có sự chọn lọc, phát triển theo xu hướng xanh, công nghệ tiên tiến.
Đồng Nai đang hướng tới phát triển mô hình Khu công nghiệp chuyên sâu, chuyên ngành. Ảnh minh họa: V.Gia |
Do đó, đòi hỏi định hướng, quy hoạch các KCN cũng phải đi theo nhu cầu của xã hội. Đầu tư xây dựng các KCN chuyên ngành, chuyên sâu là nhiệm vụ Đồng Nai phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.
Thay đổi để phù hợp yêu cầu
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển KCN chuyên sâu sẽ là xu hướng và yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng đã đề cập đến nội dung cụm liên kết ngành “thí điểm”. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng Đề án thí điểm đầu tư các KCN tập trung tại một số địa phương phù hợp theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất. Bộ Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi khi đầu tư xây dựng các KCN hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu.
Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ có các KCN chuyên sâu như: Khu công nghệ thông tin tập trung 100 hécta tại xã Long Đức (huyện Long Thành); chuyển đổi Khu công nghệ cao công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai tại huyện Cẩm Mỹ thành Khu công nghệ cao Đồng Nai... |
Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai, là vùng tập trung phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước. Trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp của vùng theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cụ thể, vùng sẽ tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) Vương Thị Minh Hiếu, hiện hồ sơ về xây dựng Luật KCN, khu kinh tế đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan nhằm cụ thể hóa những chính sách phát triển. Trong đó có bổ sung những cơ chế, chính sách phát triển mô hình KCN mới như: KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN đô thị, dịch vụ; mô hình khu kinh tế mới như khu thương mại tự do, khu kinh tế chuyên biệt...
Hướng tới xây dựng các khu công nghiệp chuyên sâu
Đồng Nai cũng như một số địa phương trong cả nước đang dần chuyển đổi việc phát triển KCN và thu hút đầu tư, nhất là xây dựng các KCN theo hướng chuyên sâu và phát triển xanh, bền vững hơn.
Ở Việt Nam đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết công nghiệp như: Tổ hợp sản xuất sợi - dệt may của Tập đoàn Texhong tại tỉnh Quảng Ninh; Tổ hợp sản xuất điện thoại di động của Samsung tại các KCN thuộc tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên; Tổ hợp sản xuất lắp ráp cơ khí, linh kiện ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; các khu sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Thực tế, thời gian qua, tại một số KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như: may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ, chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng, một số doanh nghiệp trong nước muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài cũng còn gặp nhiều khó khăn, do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.
Tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai tổ chức vào tháng 7-2024, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ cho hay, để hiện thực hóa tầm nhìn trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, Đồng Nai cần quy hoạch, tái định vị các KCN, cụm công nghiệp theo ngành trọng tâm. Đồng thời, kết nối chuỗi giá trị với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Về trung và dài hạn, tỉnh sẽ tái định vị các KCN quy hoạch theo hướng chuyên sâu vào nhóm ngành ưu tiên và xây dựng các cụm liên kết ngành, tạo khả năng cộng hưởng phát triển, trở thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, có tính liên kết giữa nội bộ các ngành, liên kết mạnh mẽ trong vùng Đông Nam Bộ và quốc tế.
Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương chia sẻ, Đồng Nai đang chuyển đổi mạnh mẽ các KCN theo hướng sinh thái. Trong đó, việc thí điểm chuyển đổi đang được thực hiện tại KCN Amata. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong cả nước tham gia các chương trình, dự án chuyển đổi mô hình KCN theo hướng sinh thái, xanh, thông minh, liên kết ngành sản xuất...
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin