Trong thời gian qua, hàng Việt đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt, hàng ngoại vào Việt Nam qua các nền tảng TMĐT vừa nhanh, vừa rẻ đã tác động không nhỏ đến thị hiếu người tiêu dùng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước.
Hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa tại một cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP ở thành phố Long Khánh. Ảnh: H.Quân |
Do đó, để hàng Việt nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, TMĐT ngày càng phát triển thì cần các giải pháp cấp bách để tiếp sức cho hàng Việt, cũng như bản thân các DN Việt cần chủ động thay đổi tư duy, công nghệ để chuyển dịch, bắt kịp với xu thế kinh doanh trên các nền tảng TMĐT…
Cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại giá rẻ
Hiện nay, việc đưa hàng Việt lên các sàn TMĐT là cơ hội lớn để các DN Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn. Các sàn TMĐT đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên, để thành công trên các sàn TMĐT, hàng Việt phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đặc biệt gần đây, sự đổ bộ của TMĐT xuyên biên giới như đã bộc lộ rõ hơn năng lực sản xuất, bán hàng của DN trong nước.
Cuối tháng 11-2024, Báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) tổ chức Hội thảo Tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT. Hội thảo thu hút gần 300 DN, người bán hàng, sàn TMĐT, người làm chính sách tham gia.
Thống kê của Google cho thấy, TMĐT Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2023 và trong quý III vừa qua, thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng khoảng 18%.
Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn cho biết, cách đây vài tháng, Báo Tuổi Trẻ đã đề cập câu chuyện TMĐT xuyên biên giới sôi động, sau đó tuyến bài nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản hồi. Trong số đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về sự bất thường của đơn hàng mua từ các nước chỉ cần 1-2 ngày đã được giao về Thành phố Hồ Chí Minh.
“Như vậy, nếu tình hình TMĐT xuyên biên giới tiếp tục phát triển thì sản phẩm nội địa sẽ cạnh tranh như thế nào? Làm sao hệ thống logistics trong nước phát triển? Cần có chính sách thuế, nhân lực như thế nào để cải thiện, tăng sức cạnh tranh?” - ông Toàn đặt vấn đề.
Tại hội thảo, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) Nguyễn Thành Trung cho rằng, trong xu thế bán hàng TMĐT xuyên biên giới, hàng Trung Quốc trở nên cạnh tranh vì thỏa mãn 2 yếu tố “giao nhanh, giá rẻ”. Giá trị bán ra hàng Trung Quốc trên sàn TMĐT vài chục ngàn đồng nhưng không đồng nghĩa nó đã bao gồm chi phí giao hàng, thuế phí... Các khoản này đã được ẩn đi nhờ phương thức kinh doanh mới: xu hướng đưa hàng từ nhà sản xuất trực tiếp đến người dùng và bỏ qua khâu trung gian.
Ông Trung lý giải thêm, khi được nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán, dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn xảy ra tương tự với các nước khác trên thế giới.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm Giám đốc điều hành kênh TMĐT E2E Trần Quốc Bảo chia sẻ, TMĐT đang trở thành xu hướng tất yếu trong phân phối sản phẩm. Trong đó, mạng xã hội và TMĐT đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn.
Theo ông Bảo, tại các quốc gia phát triển như Trung Quốc, khái niệm “công nhân live stream” đã xuất hiện. Các DN thậm chí thiết lập các “nhà máy live stream” với hàng ngàn phòng và vận hành theo ca, giống như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp. Đây là ví dụ minh chứng rõ ràng cho việc lực lượng này đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để cạnh tranh?
Theo nhiều chuyên gia, thực tế hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất đối với hàng Việt là chưa tiếp cận được nhiều công nghệ bán hàng và sàn TMĐT. DN lớn có lực lượng nhân sự tốt nên ổn, nhưng các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ thì vẫn còn chậm trễ trong việc tiếp cận các kênh TMĐT, thậm chí không biết sàn TMĐT là gì…
CEO của thương hiệu Meet More Coffee (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Luận cho biết, trong quá trình đưa hàng ra thế giới, thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn TMĐT.
Đặc biệt, việc phân loại các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn TMĐT lẫn thị trường quốc tế. Chính việc sử dụng thương hiệu OCOP là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt.
Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Xuân Thảo chia sẻ, một số giải pháp logistics có thể triển khai nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn TMĐT theo định hướng bền vững, đó là phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh… Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn.
Phó tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) Nguyễn Minh Đức nhận định, về xu hướng TMĐT, các DN trong nước cần liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số TMĐT hiệu quả hơn. Những điểm chính quan trọng các DN cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), live stream và quảng cáo. Đặc biệt, TMĐT chính là môi trường các DN nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin