Năm 2024 khép lại với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7%, đứng tốp đầu trong tăng trưởng của thế giới. Tốc độ tăng trưởng đã hồi phục mức cao như trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, điều đó chứng tỏ sức bền bỉ và khả năng thích ứng tốt của đất nước trong những năm vừa qua.
Thúc đẩy đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để Đồng Nai hướng đến mốc tăng trưởng kinh tế 2 con số hàng năm. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham quan Dự án Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). |
Với những nguồn lực ấy, năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mốc 2 con số và sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Trong khi đó, Đồng Nai cũng sẽ phấn đấu tăng trưởng 10% trong năm sau và hơn 12,4%/năm trong giai đoạn 2026-2030.
Kinh tế quay lại nhịp độ tăng trưởng cao
Năm 2024, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn và khó lường, Việt Nam đã có các chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, giúp đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6%-6,5%), cùng với việc hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của toàn nền kinh tế. Việt Nam cũng đã thực hiện tốt các khâu đột phá chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thành công tác quy hoạch, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại...
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, DN Việt Nam đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và sức ép cạnh tranh mới... Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu đang dần phát huy hiệu quả khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm mới. Năng lực sản xuất và xuất khẩu nội tại đã và đang dần được cải thiện, đầu tư mới công nghệ và gia tăng giá trị nội địa hóa trong chuỗi cung ứng. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt thực thi chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu, nhất là DN nhỏ và vừa trong tháo gỡ khó khăn về logistics, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế.
Tại Đồng Nai, kinh tế năm 2024 tăng trưởng hơn 8% so với năm 2023. Tất cả 5 chỉ tiêu kinh tế đều vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2024 là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách nhà nước. Cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đánh giá sự hồi phục của sản xuất, kinh doanh đang được ghi nhận. Bên cạnh nỗ lực tự thân của DN thì các khoản đầu tư hạ tầng, nhất là những dự án lớn, trọng điểm cấp quốc gia trên địa bàn đã bắt đầu mang lại hiệu ứng tích cực.
Sẵn sàng để bước vào thời kỳ mới
Đánh giá một cách khách quan, ở thời điểm hiện tại, nguồn lực của đất nước đã được nâng lên rõ rệt. Việt Nam đã chuyển từ nước nghèo, tiến gần mức thu nhập trung bình cao. Nguồn lực của đất nước đã được tích lũy nhiều lên và đó là điều kiện để Nhà nước quyết định đầu tư những dự án lớn mang tính đột phá, nhất là về hạ tầng với các tuyến giao thông cao tốc, sân bay, cảng biển và sắp tơi đây là Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam...
Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Song, nền kinh tế chưa có một giai đoạn phát triển cao (trung bình 10% mỗi năm kéo dài trên 10 năm). Do vậy, giới chuyên môn cho rằng, thách thức của Việt Nam là làm sao để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững, để dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao.
Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số như kỳ vọng. Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận đây là thách thức lớn nhưng thực hiện được sẽ là tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026-2030, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.
Đối với Đồng Nai, năm 2025, tỉnh cũng xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số. Theo đó, tỉnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, các dự án có tính liên vùng…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai nhất quán phương châm “chính quyền đồng hành cùng DN”, đồng thời tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia để tạo động lực, cơ hội phát triển đột phá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của Đồng Nai.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin