Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2026, lần đầu tiên áp dụng bảng giá đất hàng năm

Ban Mai
07:30, 28/12/2024

Từ năm 2026, Đồng Nai sẽ áp dụng bảng giá đất (BGĐ) hàng năm, thay vì 5 năm như hiện nay. Để BGĐ mới được xây dựng, ban hành đúng quy định và tiệm cận với giá thị trường, tỉnh đã thành lập hội đồng, tổ giúp việc cho Hội đồng Thẩm định BGĐ tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Biên Hòa đi thực tế khu vực thu hồi đất làm Dự án Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Biên Hòa đi thực tế khu vực thu hồi đất làm Dự án Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa. Ảnh:B.Mai

BGĐ là căn cứ để tính tiền thuế đất, bồi thường khi thu hồi đất, xử phạt vi phạm về đất đai nên được nhiều người quan tâm.

Áp dụng từ ngày 1-1-2026

Một trong những chính sách nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 là quy định BGĐ được xây dựng hàng năm và BGĐ lần đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2026. Sau đó, BGĐ tiếp tục được điều chỉnh từ ngày 1-1 của năm tiếp theo. UBND cấp tỉnh tự xây dựng BGĐ theo khu vực, vị trí để trình HĐND tỉnh quyết định mà không bị phụ thuộc vào khung giá đất 5 năm do Chính phủ ban hành.

BGĐ là cơ sở để Nhà nước tính tiền sử dụng đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất; tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; áp giá bồi thường khi thu hồi đất; xây dựng giá khởi điểm khi đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng xử phạt vi phạm về đất đai… Chính vì vậy, BGĐ ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai.

Luật Đất đai trước đây quy định BGĐ được áp dụng 5 năm và BGĐ của địa phương ban hành bị khống chế khung giá đất 5 năm Chính phủ ban hành. Luật Đất đai năm 2024 bỏ khung giá đất, bỏ BGĐ 5 năm, thay vào đó là BGĐ hàng năm.

Để chuẩn bị cho BGĐ hàng năm lần đầu được xây dựng, ban hành đúng quy định và sát với giá thị trường, từ cuối tháng 10-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định BGĐ tỉnh Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm chủ tịch. Nhiệm vụ chính của hội đồng là giúp UBND tỉnh thẩm định BGĐ do cơ quan chuyên môn trình.

Tiếp đó, cuối tháng 11-2024, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định thành lập Tổ Giúp việc cho Hội đồng Thẩm định BGĐ tỉnh Đồng Nai. Tổ Giúp việc do Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Đức Thắng làm tổ trưởng. Tổ Giúp việc có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, rà soát thành phần và nội dung hồ sơ đề nghị thẩm định BGĐ để gửi hội đồng; chuẩn bị nội dung, tài liệu các phiên họp; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để hội đồng báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, BGĐ giai đoạn 2020-2024 tỉnh đang áp dụng đã được cho phép kéo dài đến hết năm 2025. BGĐ hiện hành đã qua các lần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã trình sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh BGĐ một số đơn vị khi thị trường đất đai có sự biến động, tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Các lần điều chỉnh đó là cơ sở để BGĐ hàng năm tới đây được ban hành, áp dụng mang tính khả thi cao.

Đảm bảo tính khả thi cao

BGĐ hàng năm là quy định mới nhằm đảm bảo BGĐ Nhà nước ban hành tiệm cận với giá thị trường, sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước với người sử dụng đất.

Chia sẻ về BGĐ hàng năm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho rằng, BGĐ hàng năm là quy định giúp tỉnh chủ động hơn trong xây dựng BGĐ theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thực tiễn địa phương. Chẳng hạn, BGĐ nông nghiệp lâu nay người dân “chê” thấp so với giá thị trường, chậm bàn giao mặt bằng, tỉnh biết điều này nhưng không thể tăng vượt quá khung giá đất do Chính phủ quy định. Tới đây, tỉnh được chủ động điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp thì nguồn thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước sẽ tăng; người bị thu hồi đất được bồi thường mức giá tốt hơn, nhờ vậy mà sớm đồng thuận bàn giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án theo kế hoạch.

Theo ông Ngô Đức Thắng, hiện nay, giá đất trong BGĐ của tỉnh đối với một số khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, còn thấp nhưng giá cho thuê lại, sang nhượng cao hơn khoảng 50%. Khi xây dựng BGĐ hàng năm, cần lưu ý điều chỉnh tổng thể cho phù hợp, đảm bảo mức chênh lệch giá giữa các khu công nghiệp không quá cao, tránh so bì. Khi có BGĐ hàng năm tương đối đồng đều, các năm sau chỉ cần điều chỉnh tăng theo tỷ lệ, chẳng hạn 10%, 20% hoặc 30%.

Theo hướng dẫn của Chính phủ, để ban hành BGĐ hàng năm lần đầu phải qua nhiều bước, mỗi bước lại có nhiều thủ tục và quy trình. Trong đó có các bước quan trọng là: xây dựng dự thảo và báo cáo thuyết minh xây dựng BGĐ; trình Hội đồng Thẩm định BGĐ tỉnh xem xét, sau đó trình UBND tỉnh cho ý kiến; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (đơn vị tư vấn điều chỉnh BGĐ giai đoạn 2020-2024 của tỉnh) Nguyễn Văn Tân cho rằng, BGĐ liên quan đến 12 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Để xây dựng BGĐ theo luật, phải điều tra, tổng hợp, đánh giá, phân tích kỹ các yếu tố tác động.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán về nguyên tắc xác định vị trí, giá đất và đảm bảo nguồn thu bền vững từ đất, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng BGĐ rà soát các quy định hiện hành, BGĐ tỉnh đang áp dụng để có sự điều chỉnh phù hợp; thực hiện trình tự xây dựng BGĐ và hồ sơ trình đầy đủ để HĐND tỉnh xem xét, quyết định, công bố đúng quy định, tránh trường hợp trình trễ.

Ban Mai

Tin xem nhiều